Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng dự Luật này chỉ nên quy định chung hành lang pháp lý về xây dựng đặc khu, không nên đưa 3 đơn vị cụ thể là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) vào.
"Các đơn vị cụ thể chỉ cần đưa vào Nghị quyết của Quốc hội, do mỗi đặc khu có tính chất, đặc điểm và yếu tố địa chính trị khác nhau. Hơn nữa, quá trình triển khai nếu một trong 3 đặc khu không thành công thì lúc đó có thể dùng Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh, không cần sửa luật", ông Nghĩa nói.
"Họ lợi 8, mình chỉ được 2 thì không nên làm"
Theo ông, nhiều quốc gia trên thế giới đã thất bại trong việc xây dựng đặc khu "do cách làm chứ không phải chủ trương", vì vậy Việt Nam nên chú ý đến yếu tố này. Trong đó nguyên tắc không thu hút đầu tư bằng mọi giá cần phải được xác định chi phối toàn bộ quá trình thành lập, điều hành tại các đặc khu.
"Dự Luật cần xác định rõ những dự án được cấp phép đầu tư vào đặc khu sẽ tạo nội lực cho Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, văn hoá Việt Nam. Nếu nói cùng có lợi nhưng họ lợi 8, mình chỉ được 2 thì không nên. Hoặc nhiều khi họ cam kết đầu tư, nhưng nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào Luật chúng ta có quyền thu hồi, xử lý", ông Nghĩa nói.
Liên quan tới chính sách giao đất cho nhà đầu tư chiến lược tới 99 năm, so với quy định hiện hành là tối đa 70 năm, ông Nghĩa cho rằng chưa hợp lý vì "doanh nghiệp chỉ cần đầu tư 44.000 tỷ đồng vào xây dựng casino sẽ được cấp đất tới 99 năm".
"Nhưng liệu rằng 50 năm nữa con người có còn xài tiền, đánh bạc không? Nếu còn thì theo kiểu casino hay không? Nếu 30 năm nữa casino thất bại, chúng ta có thu hồi đất hay không?", ông Nghĩa đặt loạt câu hỏi và đề nghị không nên nới thêm thời gian cấp đất.
Theo luật sư Nghĩa, dự Luật cần quy định dự án thất bại thì nhà đầu tư phải trả lại đất, và dự án nào muốn thay đổi ngành nghề khác thì thay đổi thủ tục. Trong đó, cần quy định có ngành không cho nước ngoài đầu tư, có ngành không cho chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài.
Riêng với đặc khu Vân Đồn, dự Luật quy định cho phép sử dụng giấy thông hành cấp cho khách du lịch Trung Quốc trong 30 ngày, ông Nghĩa lo lắng, như vậy là "quá dễ dãi".
"Tôi hiểu ở đây giấy thông hành không phải hộ chiếu, như thế mới bình đẳng với khách du lịch của các quốc gia khác", vị đại biểu Quốc hội TP HCM nói.
Đại biểu Phạm Văn Hoà - Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đồng ý với ông Trương Trọng Nghĩa về việc nên ban hành luật chung, đề ra các tiêu chí cụ thể để sau này địa phương nào đủ điều kiện thì cho thành lập đặc khu, không cần bổ sung, sửa đổi luật.
"Cần thay đổi tư duy"
Giơ biển tranh luận với ông Nghĩa, đại biểu Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nói: "Quan niệm khi cho đầu tư dự án ta chỉ được 2, họ được 8 thì không nên làm là tư duy không kinh tế. Cần thay đổi tư duy này và đưa ra cơ chế vượt trội, khuyến khích, lôi kéo nhà đầu tư trong nước, nước ngoài".
Theo ông Thân, khi đầu tư vào casino, phát triển lĩnh vực này sẽ thu hút được lượng lớn lao động tại địa phương, phát triển dịch vụ ăn theo như khách sạn, du lịch...
Ông Thân cũng không đồng tình quan điểm của ông Nghĩa và ông Hoà về việc ban hành Luật đặc khu chung, tách riêng nghị quyết cho 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. "Nếu có Luật chung thì tính pháp lý cao hơn là nghị quyết", ông Thân nói.
Đại biểu Phạm Văn Hoà - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh:QH |
"Không thể miễn thuế tiền thuê đất cả tuổi đời dự án"
Về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân ở đặc khu, đại biểu Phạm Văn Hoà đồng ý miễn thuế đến 2030, nhưng sau đó phải thực hiện theo quy định hiện hành, không thể giảm 50% cho những năm tiếp theo vì ngân sách sẽ thất thu và không công bằng với khu vực khác.
"Tôi cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại, không thể miễn thuế tiền thuê đất, mặt nước cả tuổi đời dự án lên đến 70 năm, 90 năm. Như vậy không khác gì cho không đất đai cho những người thuê đất", ông Hoà nhấn mạnh.
Dự án Luật này sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp khai mạc vào tháng 5/2018.
Theo dự Luật Chính phủ trình thì du lịch là một trong những ngành, nghề được ưu tiên phát triển ở cả 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Trong đó, cả 3 đơn vị đều xác định ưu tiên đối với dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỷ đồng.
Chính phủ đề nghị mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở. Cụ thể, thời hạn sử dụng đất tối đa lên tới 99 năm đối với các dự án trong một số lĩnh vực và các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.