VinaAcecook là chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu “Hảo Hảo”, tuy nhiên từ tháng 12/2014, trên thị trường xuất hiện sản phẩm mì “Hảo Hạng, tôm chua cay” với hình ảnh và các dấu hiệu nhận biết gây nhầm lẫn với mì Hảo Hảo.
Sau nhiều lần làm việc không đạt được thống nhất, VinaAcecook đã yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra, xử lý hành chính hành vi vi phạm của Asia Foods. Theo biên bản làm việc do Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương lập ngày 11/3/2015, đại diện Asia Foods vẫn khẳng định “mì Hảo Hạng của công ty này không hề sao chép mẫu mã của mì Hảo Hảo”.
Mẫu bao bì mì Hảo Hảo và Hảo Hạng |
Tuy nhiên, do công ty này xác nhận đã ngừng sản xuất sản phẩm này từ ngày 4/2/2015 nên Chi cục Quản lý thị trường quyết định không tiến hành kiểm tra hành chính CTCP Thực phẩm Á Châu, đồng thời đề nghị nếu hai bên không thống nhất thì khởi kiện ở tòa án.
Trước đó, ngày 13/02/2015, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Công văn số 1320/SHTT-TTKN với nội dung “Mẫu bao gói mì ăn liền mang dấu hiệu “Mì Hảo Hạng, TÔM CHUA CAY & Hình” của Công ty CP Thực phẩm Á Châu sử dụng trong thực tế (khác với mẫu được bảo hộ theo GCN ĐKNHHH số 119302) có cách trình bày kiểu chữ “Hảo Hạng”, “Tôm Chua Cay”;
Đặc biệt là dấu hiệu hình tô mì và sợi mì, hình các con tôm, hình nửa quả chanh cùng các loại rau thơm, hành cùng với tổ hợp màu sắc, màu sắc chủ đạo của bao gói mì là màu đỏ cùng với màu hồng, xanh nước biển, xanh nước biển đậm, xanh nước biển nhạt, xanh lá cây, vàng, vàng nâu, tím, trắng, đen” tạo thành một tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hảo Hảo, MÌ TÔM CHUA CAY, Hình” được bảo hộ theo GCN ĐKNHHH số 62360.
Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Marketing của Acecook, cho biết tất cả sản phẩm của Acecook đều được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hình bao bì gói mì. Acecook có thiết kế bao gói riêng cho từng dòng sản phẩm và thiết kế đó giúp nhận dạng, phân biệt sản phẩm trong suốt hàng chục năm. Chẳng hạn, dòng mì Hảo Hảo có từ năm 2000 đến nay với kiểu thiết kế đặc trưng để người tiêu dùng ấn tượng, nhận dạng. Có rất nhiều cách thiết kế, tùy vào công ty, dòng sản phẩm, phân khúc thị trường mà các công ty đều có thiết kế riêng với cách trình bày, tông màu không “đụng” nhau, dù đều là mì tôm, mì gà, mì bò cả.
Trong khi đó, ngày 5/2/2015, Asia Food có công văn trả lời, cho biết sản phẩm mì Hảo Hạng cũng đã được DN đăng kí sở hữu trí tuệ, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu số 119302. Asia Food cũng mong muốn có một cuộc gặp mặt giữa hai đơn vị sản xuất “để trao đổi trên tinh thần hợp tác để giải quyết vụ việc êm đẹp, không cần sự can thiệp của các cơ quan chức năng”. Theo kết quả cuộc họp giữa hai DN đã không đi đến thỏa thuận thống nhất quan điểm. Ngay sau đó, Vina Acecook tiếp tục có công văn gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ để xin ý kiến về sự việc này.
Giới quan sát cho rằng, có khá nhiều điều đáng quan tâm được đặt ra thông qua vụ việc tranh chấp nhãn hiệu mì nói trên. Thứ nhất, tại sao cùng một cơ quan cấp quyền sở hữu trí tuệ, lại có thể cấp giấy đăng kí sở hữu cho hai nhãn hiệu tương tự, na ná dễ gây nhầm lẫn của cùng những DN trong một ngành hàng? Có lẽ không quá khó để viện dẫn các trường hợp cùng một nhãn hiệu, nhưng cơ quan quản lí, cấp phép, xác nhận vẫn cấp giấy xác nhận, đăng kí… khiến DN vướng vòng kiện tụng.
“Không loại trừ khả năng sẽ còn nhiều cuộc rượt đuổi theo Hảo Hảo, mà không phải đấu thủ nào cũng đủ bản lĩnh “đua” lành mạnh. Vì vậy, bên cạnh sự chủ động của chính DN, càng cần có sự tỉnh táo của người tiêu dùng và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng”, một chuyên gia sở hữu trí tuệ khẳng định.
>>> Xem thêm:
- VNPT Hải Phòng: Khi truyền thống trở thành lực cản
- Người sáng lập FedEx và giấc mộng tỷ phú 'không tưởng'
- Có hay không việc Ngân hàng Phương Đông chiếm đoạt tài sản của khách hàng?