Báo cáo mang tên "Đo lường góc khuất đại dịch: Bạo lực đối với phụ nữ trong giai đoạn COVID-19" dựa trên dữ liệu khảo sát của 13 quốc gia.
Theo báo cáo, gần 50% phụ nữ cho biết họ hoặc một phụ nữ mà họ biết đã phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực kể từ khi đại dịch bùng phát.
Khoảng 25% phụ nữ cảm thấy bất an hơn khi ở nhà. Xung đột hiện hữu cũng gia tăng tại các hộ gia đình kể từ khi bắt đầu xảy ra dịch COVID-19.
Trả lời câu hỏi về lý do cảm thấy không an toàn khi ở nhà, 21% phụ nữ cho biết bị bạo hành thể chất là một trong những lí do. Đặc biệt, một số phụ nữ cho biết họ bị tổn thương bởi các thành viên trong gia đình (21%) hoặc phụ nữ khác trong gia đình bị tổn thương (19%).
Khi ra ngoài, có tới 40% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy không an toàn khi đi dạo một mình vào ban đêm kể từ khi bùng phát đại dịch. Khoảng 60% phụ nữ cho rằng vấn nạn quấy rối tình dục tại không gian công cộng diễn biến theo chiều hướng xấu hơn trong giai đoạn dịch COVID-19.
Các yếu tố gây sức ép về kinh tế - xã hội như áp lực tài chính, thất nghiệp, mất an ninh lương thực và các mối quan hệ gia đình căng thẳng cũng tạo tác động đáng kể không chỉ đối với tinh thần (hoặc tình trạng bạo lực) mà còn cả sự hạnh phúc nói chung của phụ nữ.
Giám đốc điều hành UN Women Sima Bahous nhấn mạnh rằng bạo lực đối với phụ nữ là một cuộc khủng hoảng toàn cầu nảy sinh mạnh mẽ trong các cuộc khủng hoảng khác.
Xung đột, thiên tai liên quan đến khí hậu, mất an ninh lương thực và vi phạm nhân quyền, tất cả đều góp phần khiến phụ nữ và trẻ em gái phải sống trong cảm giác bất an, nguy hiểm, ngay cả trong nhà riêng, tại khu dân cư hoặc trong cộng đồng.
Bà Bahous cũng nhấn mạnh thêm rằng đại dịch COVID-19 khiến các quốc gia tiến hành các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội đã tạo ra một "đại dịch thứ hai" đó là gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Do vậy, UN Women nhấn mạnh sự cấp thiết phải phối hợp thực hiện các nỗ lực nhằm chấm dứt "đại dịch" này.