Đại học Huế phải là một trung tâm đổi mới

(Ngày Nay) -Sáng nay (2/1), đến thăm, làm việc với Đại học Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tự chủ là lối ra cho đại học Việt Nam và Đại học Huế phải giúp sinh viên sáng tạo, trải nghiệm, trưởng thành về tâm lý, trí tuệ và năng lực hành động…, phải là một trung tâm đổi mới trong sự phát triển giáo dục đại học.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Đại học Huế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Đại học Huế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Nhấn mạnh Huế là đất văn hóa, vùng địa linh nhân kiệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đại học Huế có truyền thống hơn 60 năm, là tinh hoa của miền Trung, xứ Huế, là trung tâm đào tạo lớn của khu vực. Đây cũng chính là một cực tăng trưởng của miền Trung, của Thừa Thiên-Huế, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực khi mà người dân miền Trung có tinh thần hiếu học, tinh tế như câu ca “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được/Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”. 

“Đại học Huế phải đào tạo ra những người không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ sư, bác sĩ bình thường, mà cả văn hóa đúng như xứ Huế giàu truyền thống quý báu của chúng ta”, Thủ tướng lưu ý.
Biểu dương thành tích mà Đại học Huế đạt được thời gian qua, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, bất cập như trong khi số ngành đào tạo khá lớn (119 chuyên ngành đào tạo đại học, 81 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 52 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ) thì tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp chưa cao. Một số ngành như sư phạm, nông lâm, giáo dục thể chất, tỉ lệ việc làm còn rất thấp. Số bài báo trên các tạp chí quốc tế của Đại học Huế tăng lên, là một trong 5 trường đại học lớn của Việt Nam đứng thứ 2 về số lượng sinh viên, nhưng định hướng nghiên cứu của Đại học Huế chưa rõ nét. Hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên còn mờ nhạt.

“Tự chủ là lối ra cho đại học Việt Nam nhưng chúng ta còn lúng túng”, Thủ tướng nói. “Mô hình nào để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và đại học có thể phát triển, có thể phục vụ tốt nhất cho giảng dạy, cho sinh viên. Không phải vì những quan hệ sản xuất ràng buộc mà chúng ta làm ảnh hưởng đến sự phát triển của lực lượng sản xuất mà trước hết là con người. Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở mức độ nào đối với trường và mô hình Đại học Huế như thế nào đối với các trường thành viên? Chứ không phải bao cấp, xin-cho, bị động, cứ thủ tục hành chính suốt, từ đại học thành viên, đến đại học cấp trên, đại học khu vực rồi lại xin lên bộ nữa. Cơ chế xin-cho nhiều quá thì không ổn, không phát huy được năng lực con người, nhất là giới trí thức, các thầy giáo ở đây”.

 Đại học Huế phải là một trung tâm đổi mới ảnh 1 Thủ tướng trò chuyện, hỏi thăm các thầy cô giáo của Đại học Huế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Với ý đó, Thủ tướng chia sẻ, “chúng ta không thể thành lập một ban quản lý các công trình, dự án của các trường đại học ở Bộ tại Hà Nội để quản lý tất cả vấn đề đặt ra. Mình phải tự chủ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, có định hướng Nhà nước làm gì, các đơn vị sự nghiệp làm gì”.

Một vấn đề nữa mà Thủ tướng nhất trí với các ý kiến phát biểu của các thầy giáo Đại học Huế, là cơ sở vật chất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có khu đô thị đại học xứng tầm và đây cũng chính là mong mỏi của Đại học Huế. “Chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này để tìm ra một lối đi”, Thủ tướng nói, “nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Đại học Huế đang đặt ra hằng ngày”.

Với tinh thần, Thủ tướng định hướng một số vấn đề lớn đối với Đại học Huế. Đó là phải quan tâm đồng thời cả trí thức khoa học, phương pháp tự nghiên cứu, các kỹ năng mềm và phải gắn với thực tiễn, giúp sinh viên sáng tạo, trải nghiệm, trưởng thành về tâm lý, trí tuệ và năng lực hành động.

Phải thực sự đào tạo theo nhu cầu xã hội, cả số lượng, chất lượng, cơ cấu, hướng tới các chuẩn mực quốc tế mà khắc phục nhược điểm sinh viên không chỉ tự tìm việc mà tạo lập khởi nghiệp.

Cần tăng cường ứng dụng công nghệ, đổi mới tư duy dạy và học, thay đổi phương pháp cung cấp kiến thức, phát huy chủ động sáng tạo của người học.

Quản trị đại học đang chuyển dịch từ Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát và tự chủ cho cơ sở giáo dục. Tự chủ cho đại học phải mở rộng hơn và thực chất hơn, đó là xu thế quản trị đại học trên thế giới.

Yêu cầu Đại học Huế khắc phục một số việc, Thủ tướng nhấn mạnh, “các đồng chí không được tự hài lòng, không chủ quan với những gì đã đạt được mà phải tích cực, chủ động hơn trong công việc của mình với tư cách một trường đại học lớn”. Các trường thành viên phải mạnh dạn đứng ra tự chủ động về hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, chủ động về tài chính, cơ chế, nhân sự, về mọi mặt trong hoạt động của đại học, “tất nhiên, phải có lộ trình, đề án nhưng phải mạnh mẽ”. Huế phải là một trung tâm đổi mới và Đại học Huế cũng phải là một trung tâm đổi mới trong sự phát triển giáo dục đại học.

Các sản phẩm đầu ra của Đại học Huế phải được đo lường thường xuyên và công khai, phải được quốc tế và trong nước công nhận, phải xem mức độ hài lòng của sinh viên đối với môn học, ngành học, giảng viên, đặc biệt những kiến thức đó phải đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống.

 Đại học Huế phải là một trung tâm đổi mới ảnh 2 Thủ tướng thăm, làm việc với Ban quản lý Vườn quốc gia Bạch Mã và trồng cây lưu niệm tại đây. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phải kết nối với các nhà tuyển dụng trong đào tạo, tổ chức các chương trình hướng nghiệp, các mạng lưới sinh viên rộng rãi, kết nối chặt chẽ với chính quyền địa phương…, không phải nhà trường chỉ trong bốn bức tường, nếu như vậy thì chưa phải thành công của Đại học Huế.

Cần phải chú trọng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Tăng nhanh tỉ lệ giảng viên có trình độ cao. Giảng viên Đại học Huế không những là các nhà giáo, nhà khoa học giỏi mà còn là tư vấn, phản biện chính sách giỏi cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phải tạo điều kiện cho sinh viên phát huy năng lực bản thân, có lý tưởng, hoài bão.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã giải đáp các kiến nghị của Đại học Huế với tinh thần tạo điều kiện để Đại học Huế ngày càng phát triển hơn nữa.

 Đại học Huế phải là một trung tâm đổi mới ảnh 3 Thủ tướng thăm dự án khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trước đó, cũng trong chuyến công tác tại Thừa Thiên-Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, làm việc với chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô; thăm, làm việc với Ban quản lý Vườn quốc gia Bạch Mã và trồng cây lưu niệm tại đây.

Chiều nay, Thủ tướng sẽ có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về cuộc làm việc này.


Theo Chính phủ
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN.
Tôn vinh những người trao truyền văn hóa dân tộc ở cộng đồng
(Ngày Nay) - Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc đã diễn ra chiều 18/4 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
(Ngày Nay) - Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Australia (ABS) công bố cho thấy tỷ lệ sinh ở Australia hiện thấp gần như ở mức kỷ lục, cho dù nước này đã áp dụng chính sách “tiền thưởng sinh con” từ cách đây 20 năm (2004) để khuyến khích người dân sinh con nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số. Các chuyên gia cho rằng thực tế này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với lực lượng lao động, hệ thống y tế và bản sắc văn hóa của đất nước.
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả tại khu vực miền Nam châu Phi đang trở nên đáng báo động với các nước Zambia, Zimbabwe và Malawi trở thành tâm điểm của đợt bùng phát nguy hiểm nhất ở châu lục trong ít nhất một thập kỷ này, nhất là trong bối cảnh kho dự trữ vaccine phòng tả toàn cầu đã cạn kiệt.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài và Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà tham gia buổi giao lưu, tọa đàm.
70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 16/4, tại Hà Nội, Thư viện Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức giao lưu, tọa đàm với chủ đề “70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên”.