Ngày 17/1, nhà chức trách thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) tổ chức tọa đàm, lắng nghe ý kiến các nhà nghiên cứu về màu sắc cũng như họa tiết hoa văn Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong đang được trùng tu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh) đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo đơn vị tư vấn, thi công khôi phục biểu tượng kinh thánh do ông Tôn Thất Sa thiết kế và tên tuổi binh sĩ được khắc vì "đó là biểu tượng rất đẹp với các họa tiết độc đáo, cần khôi phục, gìn giữ".
"Tông màu vàng của công trình trùng tu hiện nay chưa thật sự phù hợp, gây phản cảm với người dân, cần thay đổi", ông Hoa nói và kiến nghị lãnh đạo thành phố xây dựng hồ sơ công trình, nêu rõ lai lịch, danh sách 31 binh sĩ Pháp, 78 binh sĩ Việt được khắc tên.
Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Viện phó Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, cho rằng các họa tiết hoa văn trên công trình mới là quan trọng. Hiện các họa tiết như một bức tranh do ông Tôn Thất Sa thiết kế đã bị đơn vị thi công bóc tách hết.
Tiếp thu ý kiến, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch TP Huế yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế và thi công điều chỉnh tông màu vàng gây cảm giác khó chịu với người dân; kiểm tra toàn diện họa tiết, điểm nào chưa được chuẩn phải chỉnh lại. Bên cạnh đó, ông Thành cũng đồng tình với các nhà nghiên cứu về việc lập hồ sơ công trình, lai lịch lịch sử, danh sách binh sĩ Pháp và Việt được khắc bia.
Trước đó đầu tháng 11/2016, Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong sau thời gian xuống cấp đã được trùng tu, Trung tâm Công viên cây xanh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Đến nay, các hạng mục trùng tư đã gần như hoàn thành. Nhiều người dân và nhà nghiên cứu ở Huế ngỡ ngàng trước Đài tưởng niệm sơn màu vàng, nhiều chi tiết trong hệ thống hoa văn trang trí bị bóc đi và làm mới.
Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong hay còn gọi là Bia Quốc học được xây dựng vào năm 1920, tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung kỳ đã chết trong cuộc chiến giúp Pháp chống lại Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Công trình mang dấu ấn của thời kỳ Pháp thuộc và có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo; mặt trước đài khắc tên 31 người Pháp và 78 người Việt Nam. Bia được khánh thành 18/9/1920. Ngày nay, bia Quốc Học là nơi thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật có tầm cỡ lớn, trong đó có các chương trình nằm trong lễ hội Festival Huế. |