Đằng sau những cái cụng ly uống... chất độc

Đằng sau những cái cụng ly uống... chất độc ảnh 1
Tại hành lang khoa bệnh viện, một người mẹ ngoại thành Hà Nội hốt hoảng, lo âu tột độ cho tính mạng của đứa con trai đang nằm bất động do chấn thương sọ não. Mới hôm qua con trai bà vẫn lành lặn, khoẻ mạnh ra khỏi nhà. Vậy mà sau cuộc nhậu với bạn bè, bà đã nhận về đứa con đa chấn thương và tính mạng chưa biết ra sao.
* * *
RƯỢU VÀO SỨC KHỎE RA ĐI

Bà là mẹ của bệnh nhân B.N.L., 35 tuổi ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, vừa được chuyển vào khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương: Chấn thương sọ não, chấn thương gan, gẫy xương mũi.

Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là loại “độc chất” gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh”

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên

Người mẹ thôn quê vừa nói vừa khóc: Vừa tối hôm qua nó bảo với tôi đi liên hoan với bạn.

Lúc đi nó còn tỉnh táo, bình thường, vậy mà khi mọi người gọi tôi ra đón con thì nó đã mê man, trên người nồng nặc mùi rượu, bia. Giá như nó đừng tự đi xe về nhà thì đâu bị ngã, đâu nên nông nỗi này.

Tiếng than khóc của người mẹ này chưa dứt thì một chiếc xe khác đã đỗ xịch trước sảnh khoa Cấp cứu. Nhân viên y tế hối hả đẩy một bệnh nhân khác vào với vòng băng cuốn kín đầu như thể chiếc mũ, ở cổ bệnh nhân băng thêm miếng gạc bằng bàn tay đã nhuộm màu đỏ của máu. Bệnh nhân này được chuyển đến từ Hà Tĩnh do tai nạn… Theo lời kể của vợ bệnh nhân, chồng chị nghiện rượu lâu năm, “uống không biết say, không hiểu sao đợt này sức khỏe xuống dốc hay sao mà ông ấy uống dăm ba chén đã say, ngật ngưỡng tự đi xe về nên bị tai nạn”.

Cứ như thế, mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe đến rồi đi, ra vào nườm nượp BV Việt Đức. Bệnh nhân nào cũng trắng toát vải băng bó: Người ở chân, người ở tay, người ở cổ, thậm chí có người băng kín đầu, mặt, mắt…; mỗi người bệnh đều kéo theo dăm ba người nhà tay xách, nách mang với khuôn mặt hốc hác, tiều tuỵ, thất thần vì lo âu.

Đằng sau những cái cụng ly uống... chất độc ảnh 2

Một ngày tại khoa Cấp cứu của BV Hữu nghị Việt Đức là liên tiếp những hình ảnh đổ máu, bệnh nhân bất tỉnh, người thân trào nước mắt... Những đau đớn về thể xác của người bệnh song hành với nỗi xót xa, hốt hoảng, bồn chồn của người nhà bệnh nhân; là sự hối hả, tất bật, làm việc không có giờ nghỉ của những nhân viên y tế mỗi khi bệnh nhân dồn dập - nhất là vào các dịp lễ, tết.

Theo bác sỹ Bùi Trung Nghĩa, khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt Đức: Trong những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, trung bình mỗi ngày BV Việt Đức cấp cứu khoảng 150 trường hợp, trong đó 120 ca cấp cứu do tai nạn. Có tới 60% trong tổng số bệnh nhân này cấp cứu do tai nạn giao thông. Điều đáng nói là trong số 90% trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt có khoảng 30-40 trường hợp nghi có nồng độ cồn được chỉ định xét nghiệm. Rất nhiều ca chấn thương nặng do tai nạn giao thông được chuyển vào viện trong tình trạng rượu bia nồng nặc.

Một số bệnh nhân khác, qua lời kể từ người nhà bệnh nhân, lý do tai nạn rõ mười mươi là đối tượng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Như trường hợp bệnh nhân B.N.L, 35 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội kết quả xét nghiệm phát hiện nồng độ cồn trong máu lên tới 215 mg/dl, cao gấp nhiều lần mức cho phép, BS Nghĩa thông tin.

Một trường hợp khác là 2 người nước ngoài trẻ tuổi- khoảng dưới 30 tuổi được chuyển đến BV Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương, trong đó một người được xác định tử vong trước đi vào bệnh viện, người còn lại dù được tích cực cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó. Thông tin ban đầu cho biết, 2 nạn nhân này uống bia rượu rồi tham gia giao thông. Khi đang lưu thông trên đường phố Hà Nội bất ngờ đâm vào xe ô tô dừng đỗ ven đường.

Tại khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai trong dịp nghỉ lễ vừa qua, mỗi ngày cũng tiếp nhận cấp cứu 150 bệnh nhân nặng. Mặc dù so với ngày thường số ca bệnh không tăng nhưng các ca bệnh chủ yếu là tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu, suy gan thận cấp.

28 TUỔI 8 NĂM UỐNG RƯỢU, BIA

Những tác hại của sử dụng, đồ uống có cồn gây ra cho con người là vô cùng đáng sợ mà tai nạn giao thông chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Là người thường xuyên tiếp nhận, cấp cứu, điều trị cho những trường hợp ngộ độc nặng methanol cũng như chứng kiến người bệnh không thể qua khỏi do ngộ độc quá nặng, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai lúc nào cũng trăn trở trước tình trạng uống rượu, bia tràn lan trong cộng đồng. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm trước và sau Tết và các dịp nghỉ lễ dài, thói quen gặp mặt, liên hoan tất niên/tân niên đã khiến số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng vọt. Ngày nào nơi BS Nguyễn Trung Nguyên làm việc cũng tiếp nhận 2-3 ca ngộ độc rượu nhập viện trong các tình trạng khác nhau.

Để tính số lượng các ca bệnh đã từng được điều trị tại Trung tâm Chống độc trong quãng thời gian BS Nguyễn Trung Nguyên công tác thì không thể nhớ hết được, nhưng những trường hợp đặc biệt có lẽ không thể không nhắc đến: Đó là một chàng trai ở Hà Nội, 28 tuổi đã “dành cả thanh xuân để… uống rượu”. Có “thâm niên” 8 năm uống rượu, bia, mỗi lần ngồi nhậu cùng bạn bè hoặc gia đình là T.M.Đ. đều khiến mọi người ái ngại vì mức độ uống “khủng”: Khi thì nửa lít rượu, lúc thì 10 cốc bia cứ dốc tuồn tuột vào bụng. Gần đây, T.M.Đ. xuất hiện dấu hiệu đau bụng, mệt mỏi, chán ăn và được đưa vào Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai với chẩn đoán viêm tụy cấp do lạm dụng rượu bia trong một thời gian dài với số lượng lớn.

Đằng sau những cái cụng ly uống... chất độc ảnh 3

Một trường hợp khác 27 tuổi ở Bắc Ninh dù chưa có “thâm niên” uống rượu lâu bằng chàng trai T.M.Đ. nhưng mức độ uống thì cũng không hề thua kém. Sau cuộc nhậu với 12 người bạn, chàng trai này đã được đưa vào bệnh viện với biểu hiện mệt, nôn nhiều và bất tỉnh.

Nói về tác hại của rượu bia với sức khỏe, BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Lạm dụng rượu, bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu, bia “xịn” thì cũng vẫn gây hại cho gan.

“Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là loại “độc chất” gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh”, BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.          

Bản thân đồ uống có cồn đã có những tác hại đối với sức khoẻ người sử dụng, nhưng một thực trạng đáng sợ hơn chính là việc ngộ độc cồn công nghiệp chứa methanol. Đây cũng chính là vấn đề khiến BS Nguyễn Trung Nguyên luôn canh cánh trong lòng.

“BV Bạch Mai đã thường xuyên, liên tục phối hợp với các kênh truyền thông đại chúng cảnh báo về tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol qua rất nhiều ca bệnh nặng đã không qua khỏi, nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều tình trạng ngộ độc methanol phải vào viện. Đa số các ca do uống rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời”, BS Nguyên chia sẻ.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh.

Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận có trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL, bệnh nhân tử vong không thể qua khỏi. Hoặc không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

“Chúng tôi mong các cơ quan chức năng có những phương án quyết liệt hơn nữa trong các khâu quản lý cồn công nghiệp nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc methanol do uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp đáng báo động như hiện nay và người dân hãy tự bảo vệ chính mình, trong những dịp vui, uống nhưng không quên giữ gìn sức khỏe”, BS Nguyên bày tỏ.

Hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân uống rượu bia khó hơn rất nhiều

BS Bùi Trung Nghĩa, khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, khi cấp cứu những bệnh nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu cao là một khó khăn lớn đối với y, bác sĩ. Bởi lẽ cùng một mức độ thương tổn, nhưng với bệnh nhân uống rượu bia thì việc hồi sức cấp cứu trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Trong số những nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ vừa qua, hầu hết ở độ tuổi lao động, nhiều trường hợp trong số này là nạn nhân của đối tượng sử dụng rượu bia hoặc trước đó có sử dụng rượu bia. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi đã sử dụng bia rượu thì không nên tham gia giao thông để tránh những nguy hiểm cho bản thân cũng như cho những người tham gia giao thông.

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?