Vào trưa ngày 5/4 tại khu vực cầu Sim, xã Minh Đức (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) 3 thanh niên người địa phương phát hiện một đối tượng nghi trộm chó nên đã truy đuổi. Bị phát hiện người này rồ ga xe máy tháo chạy.
Trên đường bỏ chạy, đã rút một vật hình khẩu súng hướng về phía người truy đuổi bóp cò. Thấy thế 3 nam thanh niên sợ hãi tạt vào bên đường. Sau đó, ba thanh niên kia tiếp tục truy đuổi đồng thời hô hoán người dân tham gia bắt giữ đối tượng đang bỏ chạy.
Trốn chạy được một đoạn thì đối tượng tình nghi bị người dân bắt giữ. Một số người do không giữ được bĩnh tĩnh nên đã lao vào hành hung đối tượng tình nghi.
Đối tượng nghi trộm chó đã tử vong tại bệnh viện.
Thông tin với báo chí, một vị lãnh đạo huyện Việt Yên (Bắc Giang) xác nhận, sau khi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, đối tượng nghi trộm chó bị người dân đánh đã tử vong vì thương tích quá nặng.
Thông tin từ vị này cho biết, cơ quan công an đã tiến hành khám nghiệm tử thi để phục vụ công tác điều tra. Danh tính nạn nhân vẫn chưa được tiết lộ.
Đối tượng nghi trộm chó bị đánh đến tử vong vậy ai sẽ là người có trách nhiệm trong vụ việc này? Có khởi tố vụ án hình sự được không?
Để làm rõ vấn đề này PV đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng – Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật.
PV: Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về sự việc một số người dân đánh chết nghi phạm trộm chó trên đường người này tẩu thoát?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng: Đây không phải là lần đầu tiên người dân đánh chết nghi phạm trộm chó. Việc tấn công người khác đến chết dù vì lý do bực tức, nóng giận vẫn là trái pháp luật.
Có thể cảm thông với người dân khi tình trạng trộm chó vẫn tiếp diễn và người trộm chó ngày càng manh động, nguy hiểm. Tuy nhiên, hành vi phạm tội đến đâu thì cần phải xử lý đến đó và xử lý đúng pháp luật chứ không thể tùy tiện hành xử theo cách riêng, trái pháp luật.
PV: Thưa bà, có người cho rằng nghi phạm trộm chó đã nổ súng và việc người dân vây bắt, ngăn chặn, đánh trộm chó là phòng vệ chính đáng, bà đánh giá thế nào về việc này?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Trong vụ việc này, việc nghi phạm trộm chó nổ súng là có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nhưng ngay sau đó người dân đã vây bắt được đối tượng. Đáng lẽ ra cần phải giao nộp ngay cho cơ quan công an. Việc đánh người sau đó không phải phòng vệ chính đáng nữa bởi nghi phạm đã bị bắt và không còn gây nguy hiểm.
PV: Vậy hành vi của một số thanh niên đánh chết nghi phạm trộm chó có phạm tội hình sự không thưa bà? Nếu có thì phạm tội gì?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng: Đối với hành vi của một số người dân đã đánh tử vong đối tượng nghi trộm chó thì rõ ràng có dấu hiệu tội phạm và cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án.
Với hành vi gây thương tích nặng dẫn tới tử vong cho nghi phạm trộm chó thì những người tham gia phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác được quy định Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009. Vì nạn nhân đã tử vong nên sẽ thuộc khoản 3 của điều này với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù.
PV: Vâng, cảm ơn bà. Chúc bà sức khỏe!
Nhất Phiến