Nhận lì xì đối với trẻ nhỏ vào ngày Tết như một thông lệ tồn tại từ xưa. Tuy nhiên cũng không ít các trường hợp cha mẹ vô cùng xấu hổ với lối ứng xử không đúng mực của trẻ khi nhận tiền lì xì.
Có những em khi được lì xì, chưa kịp cầm nóng tay đã vội xé phong bao để kiểm tra số tiền trong đó, hay cũng có những em lại thẳng thừng từ chối không nhận tiền lì xì khi nhận thấy số tiền không lớn. Hoặc chúng bàn tán cùng nhau, xì xèo nói người này mừng tuổi nhiều, người khác mừng tuổi ít cho mình, hoặc trẻ đòi người lớn lì xì cho mình... Tất cả những hành động không đúng mực ấy của trẻ đều khiến phụ huynh cảm thấy vô cùng xấu hổ mỗi khi có khách đến chơi nhà.
Vì vậy, trước mỗi dịp tết, bố mẹ luôn phải dạy con những cách ứng xử thật khéo léo khi nhận tiền lì xì.
Dạy con ý nghĩa của tục nhận lì xì
Cha mẹ nên dạy trẻ ý nghĩa của tục nhận lì xì đầu năm. Ảnh: Internet
Bao lì xì như một món quà màu sắc khiến trẻ em thích thú, tò mò và vui vẻ đón nhận. Tặng trẻ phong bao đỏ có tác dụng khiến trẻ vui, phấn khởi. Ẩn sau mỗi phong bao lì xì đỏ tươi là lời chúc bé hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh, ngoan ngoãn hơn trong năm mới.
Khi dạy trẻ về tục nhận lì xì, cha mẹ nên dùng những từ ngữ dễ hiểu để bé nắm được cốt lõi của tục lì xì là tình cảm của người lớn dành cho trẻ, lời chúc trẻ học giỏi hơn, ăn nhiều hơn, ngoan hơn trong năm mới. Nên tránh dùng những từ khó hiểu, sáo rỗng, khiến bé không cảm nhận được vẻ đẹp của tục lệ này.
Để trẻ hiểu rõ hơn, cha mẹ có thể kể cho con nghe câu chuyện sau:
Ngày xưa, khi Tết đến Xuân về, ông Táo lên chầu trời, việc ở dưới trần không ai cai quản. Lúc này, quỷ dữ thừa cơ hội gây ra nhiều tai họa. Đặc biệt là ở những nhà có các cháu nhỏ, khi cha mẹ mải mê lo việc sắm Tết, các cháu nhỏ thường bị quỷ dữ vào phá rối giấc ngủ, gây bệnh tật. Đã có cháu còn bị quỷ dữ cướp đi.
Thấy vậy, dân làng vô cùng lo lắng. Họ cầu xin Trời Phật giúp họ. Ông Phật xuống trần trong hình dáng của ông Bụt. Để quỷ dữ không phá mùa màng, ông bày cho người dân treo cây cột cao ở ngoài sân rồi vắt chiếc áo của ông trên đó. Bóng chiếc áo đổ che khuất cả nhà, tránh được sự nhòm ngó của quỷ dữ. Đây chính là nguồn gốc của cây nêu.
Với trẻ nhỏ, ông cho mỗi cháu một đồng xu nhỏ gói trong giấy đỏ đẹp và dặn gia đình đặt ở dưới gối khi cháu ngủ. Quỷ dữ xuống phá trẻ con sẽ bị ánh sáng của đồng tiền Phật làm cho chói mắt. Vì thế, chúng sợ mà bỏ chạy.
Sau này, mọi người lớn trong gia đình cũng làm theo Bụt, cứ đến Tết là tặng trẻ những đồng xu nhỏ để xua đuổi quỷ dữ.
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần dạy bé từ những điều nhỏ nhất.
Nhắc trẻ có thái độ đúng đắn khi nhận lì xì
Các bậc phụ huynh cần khuyên con trẻ nên biết vui mừng, hân hoan khi nhận được tiền lì xì dù là ít hay nhiều để con hiểu rằng, giá trị thực sự của phong bao lì xì không nằm ở tờ tiền xanh đỏ. Đồng tiền lì xì chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, điều quan trọng là nó mang đến niềm vui cho trẻ và tấm lòng của người mừng lì xì.
Khi nhận tiền lì xì không chỉ là nhận số tiền trong phong bao, mà còn là tấm lòng của người tặng. Bởi vậy, cha mẹ cần dạy trước con cách cảm ơn khi nhận phong bao lì xì. Những câu cảm ơn lễ phép của trẻ sẽ khiến tất cả mọi người cảm thấy hài lòng.
Không bóc lì xì, đếm tiền trước mặt khách
Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ có thái độ đúng đắn khi nhận lì xì. Ảnh: Internet
Không ít trẻ có thói quen hí hửng nhận phong bao xong thì bóc ngay trước mặt khách để xem tiền lì xì là bao nhiêu. Mục đích của phong bao lì xì là tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì giá trị tiền, việc làm của trẻ vô tình chung đã làm khách khó xử. Tốt nhất, cha mẹ cần phải giáo dục cho trẻ biết, sau khi nhận phong bao nên gửi bố mẹ giữ hoặc cất gọn trong túi quần, áo hay trong phòng. Còn nếu trẻ muốn bóc xem thì cần vào nơi kín đáo, không để khách nhìn thấy hoặc đợi khách ra về mới được phép mở ra xem.
Dạy con cách tiêu tiền lì xì hợp lý
Khi Tết đã thực sự kết thúc, thường là lúc hạ cây nêu hoặc gia đình làm lễ hóa vàng, các cha mẹ cần giúp con mở chiếc túi đựng lì xì ra và thu gom số tiền lì xì được nhận.
Hãy dạy trẻ cách cảm ơn khi nhận lì xì từ người lớn. Ảnh: Internet
Nếu các con đã đến tuổi sử dụng tiền, thường là lớp 3 trở lên, cha mẹ cần dạy con cách sử dụng hợp lý số tiền lì xì đó. Cách thức đơn giản là yêu cầu con lên kế hoạch sử dụng số tiền đó, tham khảo trước giá cả, lập bảng chi phí cụ thể.
Sau khi bố mẹ đã kiểm tra về tính hữu ích, mức giá tiền hợp lý, cách mua đồ, cách sử dụng…. mà thấy phù hợp thì có thể cho con chi tiêu số tiền đó. Cha mẹ có thể đưa con đi đến cửa hàng, cho con tự chọn đồ và tự trả tiền. Việc này sẽ giúp con hiểu thêm về giá trị đồng tiền và cách sử dụng.
Tiền mừng tuổi bao nhiêu là đủ?
Chính vì mừng lì xì đầu năm với mục đích mang lại niềm vui cho con trẻ và hàm chứa lời chúc sâu sắc, thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc, nên cha mẹ cũng như khách không nên mừng quá nhiều, nên từ 100.000 đồng trở xuống mà thôi.
Hãy nhớ, để trẻ có thể hiểu được rằng giá trị tiền lì xì không quan trọng bằng ý nghĩa mà nó mang lại phụ thuộc rất nhiều và cách giáo dục, hành xử của người cho, người nhận và cha mẹ. Thực tế, không ít bậc phụ huynh lợi dụng tục lệ lì xì con trẻ để phục vụ lợi ích cá nhân, cho rằng tiền mừng càng nhiều thì càng được coi trọng, trọng dụng, thể hiện tình cảm càng lớn. Điều này vô hình chung đã gieo vào đầu các bé sự khinh miệt giàu nghèo ngay từ khi nhận những phong bao lì xì đầu tiên trong cuộc đời.
Với những điều trên, hi vọng cha mẹ sẽ giúp các bé học được nhiều về cách cư xử và các kĩ năng khác trong dịp Tết này.
A.M