Sau này nghĩ lại, thấy buổi ấy ông dù đang khỏe mạnh, lại như nói gở. Sau đám tang ông, tôi đã nhiều lần muốn trở lại căn phòng đó, trả lại ông cuốn tài liệu khảo cổ. Nhưng tôi đắn đo và lần lữa không đi. Nói đúng ra là không dám đi. Vì tôi không muốn lòng mình tan hoang nếu chẳng may nhìn thấy cái không gian toàn sách ấy giờ đã hoặc không còn, hoặc phủ đầy mạng nhện. Và tự an ủi trong lòng, chắc ông hôm ấy đã muốn tặng tôi cuốn sách đó. Như một cái cớ cho mình thôi.
Tôi biết một tủ sách khác, của một nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng. Lúc các con ông phân chia phần tài sản, chị bạn của tôi - con gái ông, nhận toàn bộ phần sách. Chị dành nhiều tháng để chuyển dần số sách về nhà, phân loại và tặng những cuốn quý nhất cho những người mà chị quý mến và nghĩ rằng nó có ích cho họ. Chị cũng làm như một sự thôi thúc nào đó, bởi vì bây giờ chị cũng đã ở một nơi xa xôi nào đó, sau một cơn bạo bệnh. Nhưng chắc hẳn, bây giờ chị đang vui, vì đã làm được cái việc có ích cho tủ sách của cha chị. Căn phòng của chị bây giờ mỗi lần tôi trở lại, đỡ xót xa hơn. Lại nhớ những ngày chị ngồi sắp xếp, phân loại, thậm chí có những cuốn mất nhiều thời gian vì cầm lên là muốn đọc lại hoặc xem lại những lời đề tặng mà các tác giả dành cho bố. Mỗi cuốn sách là một cuộc đời, một câu chuyện đằng sau nó...
Tôi cũng biết anh Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trân trọng từng câu, từng chữ của cha. Biết ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, cẩn trọng tìm lại mọi tư liệu liên quan đến ông nội mà trong nhiều năm liền, người đời chưa hiểu và đánh giá đúng tầm vóc. Biết những người con của GS Nguyễn Văn Huyên hay GS Đặng Thai Mai mà chỉ một bức thư viết tay hay một lời dạy dỗ, dặn dò của cha để lại đã được xem như di sản của gia tộc…
Nhưng tôi cũng không ngạc nhiên khi một giáo sư đầu ngành về nghiên cứu dân tộc học cách đây vài năm đã tuyên bố sẽ hiến tặng tủ sách của ông cho một cơ quan nghiên cứu (vì con cái không ai theo nghiệp mà cũng không thiết tha với mớ sách dân tộc học của ông). Bởi vì để sách lại cho ai luôn là nỗi khắc khoải của không ít bậc trí giả tôi đã gặp trong cuộc đời làm báo của mình.
Mà thực ra, để sách lại cho ai cũng không phải chỉ là câu chuyện của số ít gia đình trí thức, nó là câu hỏi mang tính thời đại. Nếu có gia đình nào đó phải băn khoăn không biết để lại tủ sách của mình cho ai thì điều này cũng đồng nghĩa với việc thế hệ tiếp nối không mặn mà gì với những bản in cũ kỹ, ố vàng.
Giống như di sản ấy, biết đâu trong rất nhiều trường hợp, cái để lại có khi lại trở thành gánh nặng với tương lai.