Nhiều vai trò chỉ đạo nghệ thuật đang bị xem nhẹ
Ngày 25/6, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị lấy ý kiến sửa đổi Nghị định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Theo đó, việc trao tặng danh hiệu đã góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ hết mình cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình xét tặng do một số quy định của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tiễn.
Toàn cảnh hội nghị góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT diễn ra sáng 25/6.
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm và tranh luận sôi nổi là việc quy đổi giải thưởng đã cắt giảm so với quy định cũ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nghệ sĩ. Trong đó, có thể kể đến những bất cập trong việc quy đổi giải thưởng của chỉ đạo nghệ thuật, biên đạo múa và nhạc công.
NSƯT Nguyễn Quang Thập - Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình cho rằng, vai trò của chỉ đạo nghệ thuật ở lĩnh vực sân khấu bị xem nhẹ. Đối với sân khấu truyền thống, chỉ đạo nghệ thuật là người đầu tiên tiếp cận với nghệ thuật và đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đường hướng của tác phẩm đó có đến được đích hay không là sự kết nối của của vị trí này. Vì thế, ông đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc vai trò của của chỉ đạo nghệ thuật trong việc xét tặng danh hiệu. Nếu việc quy đổi HCV không tương đương 1 thì cũng phải bằng 3/4 chứ không phải là 1/3 như hiện nay.
“Hiện nay những người chỉ huy biểu diễn sân khấu thường là những nghệ sĩ có tên tuổi, chuyên môn cao nếu bỏ qua là bất công”, NSƯT Nguyễn Quang Thập bày tỏ.
Ngoài ra, dù trong bản quy đổi đã thêm thành phần giải thưởng xuất sắc nhưng lại bỏ đi một số chức danh như: đạo diễn âm thanh, ánh sáng... trong khi những chức danh này hiện đã được Đại học Sân khấu - Điện ảnh đưa vào ngành học chính thức và họ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sân khấu.
NSND Phạm Ngọc Khôi - PCT Hội Nhạc sĩ Việt Nam bày tỏ, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch trong âm nhạc có một vai trò vô cùng quan trọng. Họ vừa là nghệ sĩ, vừa là đạo diễn trong mỗi chương trình. Tuy nhiên, họ không được tham gia một cuộc thi nào dẫn đến việc không thể có huy chương. Và vì thế, nếu chiếu theo Nghị định hiện này thì việc việc xét tặng danh hiệu NSND đối với những người này là vô cùng khó khăn và nhiều người đang phải chịu thiệt thòi.
“Chẳng hạn, NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch TP.HCM, đóng góp của nghệ sĩ này là rất lớn nhưng đưa lên xét danh hiệu NSND thì gạt đi. Nguyên tắc là phải có huy chương theo quy định mới được xét nhưng thực tế có những ngành không bao giờ được thi thì chúng ta tính sao? Vấn đề này rất được quan tâm và cần phải bàn kỹ, nhất là chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập”, NSND Phạm Ngọc Khôi nhấn mạnh.
Đề nghị bổ sung quy định thu hồi danh hiệu
NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, NSND, NSƯT là danh hiệu cao quý của Nhà nước trao tặng. Do đó, danh hiệu này chỉ nên dành cho các cá nhân có những thành tích xuất sắc và đóng góp lớn lao. Không nên tính tới việc quy đổi huy chương với xét tặng danh hiệu cao quý này. Ngoài ra, nam nghệ sĩ cũng đề nghị bổ sung quy định về việc thu hồi danh hiệu hoặc có hình thức xử lý phù hợp.
Vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng trong việc xét tặng danh hiệu cần được điều chỉnh.
NSND Hoàng Dũng cũng ủng hộ việc bổ sung quy định thu hồi danh hiệu đối với những cá nhân nghệ sĩ chưa xứng đáng. Bên cạnh đó, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cũng cho rằng, các quy định hiện chặt chẽ hơn nhưng vẫn xuất hiện một vài lỗ hổng. Đơn cử như lĩnh vực sân khấu, HCV và HCB là của cá nhân nghệ sĩ khi tham gia vở diễn. Ngày trước, khi vở diễn được HCV thì đương nhiên đạo diễn cũng được HCV. Nhưng bây giờ, theo dự thảo sửa đổi thì đạo diễn phải có HCV cá nhân.
Tuy nhiên, trong quy chế chấm giải thưởng của Bộ VHTT&DL lại không có giải thưởng cho đạo diễn. Cùng lắm tại hội diễn, liên hoan... có khoảng 30 tiết mục thì sẽ chọn ra một đạo diễn xuất sắc nhất và như thế được tính là một HCV, không được quy đổi nữa. Như vậy sẽ rất thiệt cho những người đảm nhận vai trò này trong khi đạo diễn có vị trí rất quan trọng trong sự thành công của một vở diễn, chương trình, tiết mục.
NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phát biểu, các tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND chúng ta đang nhấn mạnh vào dấu ấn cá nhân, chính là sự ảnh hưởng trong nghề nghiệp. Các tiêu chí như hiện nay là đã mở rộng ra để các nghệ sĩ có lợi thế hơn khi chuyển đổi và bắt buộc các nghệ sĩ phải phấn đấu để có dấu ấn cá nhân là HCV.
Về tiêu chuẩn NSƯT, NSND Thuý Minh thắc mắc là hiện nay yêu cầu danh hiệu này phải có 2 HCV hoặc 1 HCV, 2 HCB thì có vẻ hơi bị giảm. Trước đây, tiêu chí này được đưa ra để giải quyết trường hợp các nghệ sĩ cao tuổi có nhiều đóng góp cho nghệ thuật nhưng nay số lượng các nghệ sĩ này không còn nhiều. Trường hợp này hiện chủ yếu cho lớp trẻ, do đó tiêu chí này nên siết chặt lại.
“Rất cần phải siết chặt vấn đề này. Bắt buộc phải có 2 HCV hoặc 1 HCV, 2 HCB. Bên sân khấu rất dễ để đạt được điều này. Nhiều kỳ xét tặng danh hiệu vừa qua, Hà Nội làm rất chặt vấn đề này, khi không có HCV thì không được xét Nghệ sĩ Ưu tú. Riêng nhạc công của lĩnh vực sân khấu rất thiệt thòi vì họ không có các cuộc thi. Cả dàn nhạc với nhau như bản hoà tấu nhưng cũng phát hiện ra tài năng riêng. Vì thế, theo tôi, tiêu chí một HVB cá nhân là chính xác đối với nhạc công”, NSND Thuý Mùi nhấn mạnh.