Bát phở gà 300.000 VNĐ. Ảnh: Internet
Câu chuyện về bát phở gà 300.000 VNĐ ở Hà Nội mấy ngày nay đã làm cư dân mạng rất…“sướng”! Họ “sướng” miệng để lên án sự chặt chém bất hợp lý và “sướng” tay để bình luận về cái sự ăn bây giờ!
Đương nhiên, điều đó cũng khiến tôi “sướng” vì bất chợt nhớ đến tuyên ngôn về “phở” của nhà văn Nguyễn Tuân.
Thuở sinh thời, cố nhà văn Nguyễn Tuân đã nổi tiếng là người sành và khảnh ăn. Với Nguyễn Tuân, ăn là một nghệ thuật, là một tính cách, thậm chí nó còn là “đạo”, là sự khám phá những vật phẩm mà tạo hóa đã ban tặng cho con người.
Cố văn sĩ đã nhận định:
“Phở còn là một món ăn rất nhiều quần chúng tính. Ông muốn ăn phở ngồi hay đứng lù lù ra giữa hiệu mà ăn cũng không ai nói, ăn ngồi ăn đứng tùy thích. Phở là món ăn bình dân. Công nông binh trí, các tầng lớp nhân dân lao động, thành thị, nông thôn, không mấy ai là không biết ăn phở. Người công dân Việt Nam khi còn ẵm ngửa, cũng nhiều vị đã nếm phở rồi; chỉ có khác người lớn là cái bát phở của tuổi ấu trĩ chưa biết đau khổ ấy chưa cần phức tạp, không cần hành hăng, chanh chua, ớt cay. Con nhà nghèo, nhiều khi lại không cần cả thịt nữa, mà căn bản phở nhi đồng vẫn là bánh và nước dùng thôi.” (Tùy bút “Phở”)
Với một “tín đồ” trung thành và “sành” về phở, Nguyễn Tuân đã cho chúng ta thấy sự tinh tế, bình dân, quần chúng nhưng rất đỗi “thanh cao” của món ăn đặc biệt này.
Nhà văn Nguyễn Tuân thuở sinh thời. Ảnh: Internet.
Nào đâu cứ phải thịt đầy ú ụ, nước mỡ chan béo ngậy như kiểu tô phở 300.000 VNĐ vừa qua. Chẳng những thế, “ngọc hành” của gà còn khiến phở mất đi cái chất thanh tao, bình dị sẵn có.
Vô hình chung, phở từ một thứ bình dân, thanh đạm, giờ đây đã trở thành một món ăn đầy chất “phàm” và “chảnh”!
Nguyễn Tuân còn khẳng định thêm “Phở ăn mùa nào cũng được, giờ nào trong ngày cũng được!”
Có lẽ, với văn sĩ nói riêng và với cả thời đại đó nói chung, phở là món quà thanh tao, có âm có dương, có trầm có bổng, có nhặt có khoan… chứ phở không phải là món để ăn lấy được, ăn cho ngắc ngứ, ăn cho đã đời hay ăn để… chết khiếp!
Ngay sau khi nhớ lại những dòng tùy bút của nhà văn, tôi có chút băn khoăn trong lòng.
Liệu Nguyễn Tuân sống ở thời nay thì ông có còn là Nguyễn Tuân, có còn tôn vinh những thức quà bình dị, đời thường đó không hay ông lại là một cây bút trào phúng giống Vũ Trọng Phụng, chuyên đả kích, châm biếm những lề thói, sự kệch cỡm, gớm ghiếc, bóp méo mọi chuẩn mực trong xã hội?
Trần Thúc Hoàng
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả