Tối 26/11, trả lời VTV, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho hay, thời điểm Bộ này trực tiếp thẩm định (tháng 10/2015), trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn phải khắc phục một số tồn tại mới đủ điều kiện đào tạo hai ngành mới.
Cụ thể, theo ông Lợi, Trường giới thiệu có 47 cán bộ giảng dạy, tuy nhiên Bộ Y tế yêu cầu tối thiểu phải có 50 người trình độ thạc sĩ trở lên. Nhiều người có tên nhưng chưa thấy bản cam kết sẽ tham gia làm giảng viên cơ hữu của trường.
Ngày 17/11, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu “trường hoàn thiện theo biên bản mới ủng hộ việc mở ngành”, nhưng hai ngày sau Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định cho phép trường mở mã ngành đào tạo bác sĩ đa khoa.
Văn bản của Bộ Y tế ủng hộ cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo Y đa khoa và Dược học. |
Ngày 19/11, quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký, cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, Dược học có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ký.
Trước đó, tháng 12/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn tạm dừng mở ngành đào tạo y đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt trình độ Đại học và ngành dược học trình độ Cao đẳng, Đại học.
Sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ Y tế, đoàn kiểm tra của 2 bộ đã tiến hành kiểm tra và thấy Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình nên đồng ý cho phép trường được đào tạo Y đa khoa và Dược học.
Theo GS.TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, với hai ngành Y, Dược, trường không xét tuyển theo học bạ mà chỉ xét tuyển theo kết quả thi của kỳ thi THPT quốc gia. Mức điểm đăng ký xét tuyển thấp nhất là 20 điểm.
Hồng Vân (t/h)