Trong năm 2020, “cơn bão” COVID-19 nhanh chóng càn quét toàn cầu khiến các cửa hàng thời trang tại Mỹ và châu Âu đóng cửa, hàng nghìn nhà máy sản xuất đồ may mặc buộc phải tạm dừng hoạt động và hàng trăm nghìn lao động, phần lớn là phụ nữ, rơi vào cảnh thất nghiệp. Ở châu Á, tình hình chung cũng u ám không kém.
Zar Chi Liwn đã phải bán đi hai chiếc vòng vàng của mình với giá rẻ sau khi nhận được tin nhà máy nơi cô đang làm việc tại Myanmar phải đóng cửa trong tháng này.
“Phần lớn tiền lương tôi dùng để trang trải viện phí cho mẹ”, theo Zar (29 tuổi), người đang sống cùng mẹ mình trong một căn nhà ở ngoại ô Yanhgon. “Mẹ tôi bị bệnh phổi nặng, tôi không biết mình sẽ phải làm gì tiếp theo”.
Từ lâu, các nhà máy sản xuất đồ may mặc đã trở thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển tại châu Á, đem tới việc làm cho hàng triệu người. Ngành công nghiệp nhẹ này là con đường nhanh nhất giúp Bangladesh giảm nghèo, Việt Nam khởi đầu giấc mơ tự chủ sản xuất và Myanmar gượng dậy sau nhiều năm bị cấm vận. Thế nhưng chỉ sau nửa đầu năm 2020, dịch bệnh đã khiến ngành công nghiệp may mặc trở nên điêu đứng. Các cửa hàng tại phương Tây đóng cửa đồng nghĩa với việc các thương hiệu phải hủy các đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ đô la, khiến các lô hàng áo len và quần jean tạm “xếp kho”.
Không chỉ vậy, hàng trăm nhà máy nằm trên vành đai công nghiệp châu Á như Phnom Penh, Dhaka và Yangon không còn đủ nguồn lực để duy trì sản xuất.
Hàng trăm ngàn công nhân may mặc, phần lớn trong số họ là phụ nữ, đã buộc phải chấp nhận giảm lương hoặc mất việc.
Kể từ những năm 1960, châu Á đã trở thành công xưởng may mặc của thế giới, đem về 670 tỷ USD lợi nhuận cho các công ty Bắc Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác, theo Tổ chức Lao động Quốc tế.
Các nhà bán lẻ thường đặt hàng ít nhất 3 tháng trước khi giao và trả tiền sau khi việc giao hàng thành công. Khi dịch COVID-19 mới bùng phát, hầu hết các nhà bán lẻ đã hủy tất cả các đơn đặt hàng chưa thanh toán, nhưng nhiều nơi đã buộc phải thanh toán cho các lô hàng đã được sản xuất xong hoặc hoàn thiện được một nửa.
Để hoàn thành các đơn đặt hàng còn dở, khoảng 2.000 nhà máy may Bangladesh đã mở cửa trở lại. Trong khi đó, khoảng 150 nhà máy của Myanmar và 200 nhà máy tại Campuchia vẫn chưa thể hoạt động.
“Nhiều nhà máy dù được mở cửa trở lại nhưng đang gặp khó trong việc tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn cho công nhân trong một phạm vi chật hẹp”, ông Babul Akter - Chủ tịch Liên đoàn công nhân may mặc và công nghiệp Bangladesh, cho biết. “Hàng chục nhà máy không tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Công ty chỉ đặt nước rửa tay và kiểm tra nhiệt độ cho công nhân, và chỉ có thế”.
Bất chấp các đơn đặt hàng mới, một số nhà máy tại Campuchia, Bangladesh và Myanmar cho biết với khối lượng hàng cần sản xuất rất thấp, họ buộc phải sa thải bớt lao động của mình để cân bằng thu nhập.
Điều đó buộc hàng trăm nghìn người phải giằng xé trước hai lựa chọn: ở lại thành phố với chi phí đắt đỏ và đi tìm việc làm, hoặc về quê với hai bàn tay trắng.
Tại Campuchia, nơi có khoảng 60.000 công nhân may rơi vào cảnh thất nghiệp trong mùa dịch, các nhà chức trách đã cố gắng chi trả cho mỗi lao động một khoản trợ cấp rơi vào khoảng 70 USD (hơn 1 triệu đồng), tương đương 1/3 mức lương tối thiểu.Rom Phary – một lao động ở Phnom Penh, cho biết cô và chồng đã phải sống trong cảnh nợ nần từ tháng 3. Hai vợ chồng Rom phải đi nhận gạo miễn phí và liên tục khất tiền chủ nhà trọ. Đối với cô, cảnh sống tạm bợ này vẫn còn hơn là về quê.
“Tôi cảm thấy hết sức bẽ mặt nếu phải quay về quê và đối diện với gia đình và họ hàng trong tình cảnh này”, người phụ nữ 39 tuổi nói.
Tại Bangladesh, quốc gia sản xuất hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, với hơn 2,5% dân số (4 triệu người) làm việc trong các nhà máy, nhiều công ty hiện đã đóng cửa.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, hiện có khoảng 70% công nhân ngành may mặc đã rời khỏi thủ đô Dhaka để trở về quê nhà, mặc dù một số nhà máy đã quay trở lại làm việc.
Banesa Begum, một công nhân 21 tuổi bị sa thải khỏi một nhà máy ở Bangladesh, cho biết hiện cô không có gì để gửi về cho cha mẹ mình, những người quan năm chỉ làm nghề nông. “Tôi biết họ đang chết đói”, cô nói.
Begum cũng dành một phần lương để chi trả cho hai em trai cô đang tuổi đi học. “Học phí của hai đứa em hiện là điều khiến tôi lo lắng nhất. Mọi giấc mơ của tôi đã tan vỡ”, Begum trăn trở.
Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, tốc độ phát triển trong năm nay chỉ đạt 0,1 % - mức thấp nhất trong vòng 6 thập kỷ qua.
Ngành may mặc toàn cầu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn sâu sắc và có khả năng phải tái định hình cấu trúc sau dịch bệnh.
“Tôi không nghĩ ngành nghề này sẽ quay trở lại như trước thời điểm dịch bệnh. Sẽ có vô vàn thay đổi trước mắt chúng tôi”, theo bà Rubana Huq - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Sản xuất và Xuất khẩu Hàng may mặc Bangladesh.
Trong vài tháng qua, hàng loạt các chuỗi cửa hàng bách hóa tại Mỹ như J.C. Penney, Neiman Marcus và J.Crew đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
“Sẽ có từ 20-30% các nhà bán buôn, cửa hàng bách hóa và thương hiệu thời trang phải sáp nhập hoặc phá sản. Điều này sẽ tạo ra một làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất gần hơn tại phương Tây”, ông Achim Berg – chuyên gia tại công ty tư vấn quản lý McKinsey & Co., nhận định.
Theo đó, các công ty châu Âu sẽ tìm tới các nhà máy đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đông Âu và Bắc Phi, còn Mexico sẽ cung cấp hàng cho thị trường Bắc Mỹ. “Dịch bệnh đã khiến phương Tây nhận ra rằng họ đã quá phụ thuộc vào chuỗi sản xuất ở châu Á”, ông Berg chỉ ra.
Đối với các quốc gia có cơ sở hạ tầng hạn chế và lao động tay nghề thấp, sản xuất hàng may mặc là giải pháp tốt nhất có thể đáp ứng những điều kiện này.
May mặc chiếm gần 85% giá trị xuất khẩu của Bangladesh, đem lại 4 triệu việc làm cho quốc gia này. Ở Campuchia, cứ 5 gia đình thì có 1 hộ có người làm công nhân may và 75% hàng xuất khẩu là đồ may mặc, giày dép và túi xách. Còn Việt Nam và Ấn Độ cũng là những nhà xuất khẩu may mặc hàng đầu, theo ước tính của Tổ chức Thương mại Thế giới.
“Hiện tại, vẫn chưa có mô hình kinh tế nào thế chân được ngành may mặc ở châu Á. Điều này cho thấy những thiệt hại do dịch bệnh gây ra không chỉ dừng lại ở vấn đề sức khỏe”, Giáo sư Raymond Robertsontại Đại học Texas A & M, cho biết.
Myanmar, quốc gia chìm trong đói nghèo và lạc hậu suốt nhiều thập kỷ, đã xuất hiện trên bản đồ may mặc thế giới kể từ năm 2013, sau khi các lệnh cấm vận của Mỹ và EU được dỡ bỏ.
Hàng trăm nhà máy thuộc sở hữu của các công ty, từ Trung Quốc, Hàn Quốc,…đã ồ ạt rót vốn xây dựng các nhà máy tại Myanmar nhằm tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ.
Chỉ riêng trong năm 2019, hơn 120 nhà máy may đã mọc lên tại Myanmar, chỉ riêng ngành may mặc và da giày của nước này đã thu về 6,7 tỷ USD tiền xuất khẩu.
Khin Moe Moe, 25 tuổi, lớn lên ở thị trấn ven biển Kyaikkhami (Myanmar). Sống trong cảnh đói nghèo, cha mẹ Khin muốn con gái mình được học hành tử tế để đổi đời. Cô được nhận vào một trường cao đẳng sư phạm, với mơ ước khi ra trường là được làm việc tại một ngân hàng hoặc trường học nào đó. Thế nhưng mọi dự định đã phải gác lại khi cô gái trẻ bất ngờ có thai ngoài ý muốn.
Năm 2017, Khin để lại cậu con trai 1 tuổi cho ông bà ở quê nhà và tìm việc tại một khu công nghiệp ở ngoại ô Yangon. Nhanh chóng được nhận vào làm tại một nhà máy may, cuối cùng Khin đã có thể gửi tiền về cho cha mẹ mình để nuôi con. Những năm qua, cô sống cùng 3 nữ đồng nghiệp khác trong một phòng ký túc chật chội và ẩm thấp.
Năm ngoái, Khin đã chuyển sang làm việc tại Yongan Myanmar Fashion, một nhà máy của Trung Quốc chuyên sản xuất áo sơ mi và áo khoác cho H&M, Zara và Only. Được giao phần việc may cổ áo hoặc túi áo, tháng nhiều nhất Khin nhận 190 USD (hơn 4 triệu đồng), cô vẫn giữ thói quen gửi một nửa lương tháng về cho cha mẹ. Với khoản tiền ít ỏi trên, Khin không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận làm thêm hơn 70 giờ mỗi tháng để cải thiện thu nhập.
Cô vẫn ở lại làm việc ngay cả khi con trai phải nhập viện do mắc bệnh lao, vì cô cần tiền để trang trải viện phí – khoản tiền giờ đã quá sức của cha mẹ cô.
Đầu năm nay, đại dịch COVID-19 đã khiến các kho hàng trong công ty của Khin ùn ứ. Cô nằm trong số hàng trăm người bị sa thải, cầm số tiền trợ cấp thất nghiệp trên tay, Khin thất thần bắt xe về quê. Cha Khin lại phải nhận làm công việc nặng nhọc ở các công trường, nhưng số tiền ông kiếm được chẳng nuôi đủ 4 miệng ăn.
Con trai Khin, giờ đã 4 tuổi, chuẩn bị đến tuổi đi học, nhưng tương lai của cậu bé đang hết sức mù mịt. Ngày qua ngày, gia đình Khin phải mua thứ bột rẻ tiền để làm cà ri ăn với cơm, thay vì gà hoặc cá.
Cô không biết khi mình mới có thể quay trở lại Yanhon tìm việc làm. “Kiếm việc làm là ưu tiên hàng đầu của tôi lúc này, con trai tôi cần phải được học hành”, cô hướng mắt về phía “tương lai” của mình.
Bài: Huy Vũ
Thiết kế: Mẫn San