Nhân vật trong bài viết này, là cô giáo Lê Thị Hoa Mận, 41 tuổi, giáo viên dạy văn Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
1. Trước mặt tôi bây giờ, là một người phụ nữ với vẻ ngoài còn đôi phần xơ xác, sau hằng năm trời chống chọi với bệnh tật. Tóc trên đầu đang mọc lại, chưa nhiều, không đều. Tay chân còn vài nốt đỏ, dấu hiệu của căn bệnh lupus ban đỏ. Nhưng nụ cười của cô, nhẹ thôi, nhưng đủ để xua tan những ái ngại ban đầu, mà tôi dại dột nghĩ rằng nó sẽ nằm chễm chệ trong tâm trí cô - người vẫn con đang chiến đấu với bệnh tật. Rồi cô kể tôi nghe, về quãng thời gian như địa ngục cuộc đời. Vào một ngày của tầm năm, sáu năm trước, khi đồng nghiệp của cô đưa đứa con gái mà bệnh viện trả về từ TP Hồ Chí Minh; thì cô hốt hoảng ngược vào nơi này. Bởi bé gái tội nghiệp ấy, bị lupus ban đỏ, bác sỹ bất lực. Cô cũng bị lupus ban đỏ, căn bệnh mới bắt đầu. Nghĩ rằng chỉ mất khoảng vài ngày để khám, xét nghiệm. Nhưng bệnh viện đã yêu cầu cô nhập viện và nằm ở đó hết 2 tuần. Tôi liếc nhìn, đôi mắt cô ươn ướt, nhưng chưa nhèm đi. Đó là lúc cô nhắc lại lời bác sỹ như nhát dao chí mạng vào niềm tin: Mắc bệnh này, coi như chết!
Nhưng đó cũng chưa là… tận cùng nỗi đau. Số là sau khi nhận những lời phán lạnh sắc như dao của bác sỹ, nghĩ mình sẽ không qua khỏi, nên cô Mận quyết định xây nhà. Vào thời điểm đó, chồng cô, một kỹ sư xây dựng với tấm bằng đỏ, nên kinh tế cũng tương đối khá. Lại nghĩ bác sỹ bảo bệnh này chỉ có chết, nên lấy tiền tích cóp để đi chữa bệnh cho mình, thì… phí quá; nên cô nghĩ cần phải xây nhà, để sau này chồng và hai đứa con trai còn có chỗ mà ở. Nên mới có chuyện, một vài người đi rêu rao, nói rằng cô nhận tiền giúp đỡ của người khác nhưng không chịu chữa bệnh, mà để làm nhà. Tinh thần cô suy sụp nhanh, trở nên trầm cảm và trước cảnh đông người, hay âm thanh vượt ngưỡng nhỏ, là đầu óc cô bị kích động, trở nên điên loạn, không tự chủ được hành vi của mình. Thương vợ, chồng cô đành phải đưa cô vào bệnh viện tâm thần để điều trị. Xen kẽ những ngày đau đớn ấy, không ít lần cô tìm tới cái chết, nhưng không thành. Vậy mà khó khăn tiếp tục tìm đến, chất đầy ngôi nhà tuềnh toàng của cô, khi người chồng cô bị mất việc. Đã có lúc, anh phải lặn lội vào TP Hồ Chí Minh đã kiếm tiền; đó là quãng thời gian, cô Mận thấy cuộc đời của mình thêm tủi hờn. Trong cơn cùng cực ấy, và đinh ninh lời bác sỹ sẽ… đúng, chị tìm người cậy nhờ để gửi gắm hai đứa con trai…
2. Cũng may, bên đời cô Mận có những người đồng nghiệp, những người hàng xóm tốt bên cạnh người chồng đã hy sinh rất nhiều cho chị. Họ đã thuyết phục chị tiếp tục đến viện điều trị, và may mắn thay, chi gặp được một nữ bác sỹ, cũng với một câu “lạnh nhạt” như những vị bác sỹ trước, nhưng trái ngược nhau rất nhiều: “Số mày không chết được đâu”. Câu nói này, đã tiếp cho cô động lực để chiến đấu với bệnh tật. Cô nghĩ về những hy sinh của chồng, về những nụ cười của con, về những lần thăm hỏi của các thế hệ học sinh, cô thèm trở lại bục giảng… Cô nhủ lòng, sẽ tuyên chiến với bệnh tật.
Niềm tin chiến thắng bệnh tật của cô thêm trỗi dậy, khi cô gặp lại những học trò cũ lúc nằm ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam. Năm ấy, một nhóm sinh viên trường y về thực tập. Trong số này, có một cô bé từng là học trò cũ của cô. Nhìn hoàn cảnh cô mình, ngoài thời gian thực tập theo quy định, cô dành hết cho việc chăm sóc cô. “Em ấy đến, như tiếp thêm cho cô sự lạc quan. Ngoài chăm sóc, em còn bênh cạnh để động viên, khích lệ tinh thần của tôi” - cô Mận nhớ lại. Cũng trong thời gian này, một học trò cũ của cô Mận, đang công tác ở công an huyện Đại Lộc, hễ hết ca trực là chạy lên việc để bầu bạn, an ủi, xoa bóp tay chân cho cô.
Thêm một sự việc nữa, cũng ít nhiều tác động đến suy nghĩ lạc quan của cô Mận, là nghĩa cử của những người không xa lạ. Số là khi ấy, cô nằm cạnh một giường bệnh; mà bệnh nhân này, luôn có người thân chăm sóc. Một hôm, khi cô cần đi tiểu tiện, thì người thân của bệnh nhân bên cạnh bảo cô cứ “đi” vào bô, rồi bà sẽ lo việc còn lại. Bà nói mãi, cô mới chịu. “Cô coi con như con gái của cô đang nằm đây, nên con cứ tự nhiên đi” - cô Mận thuật lại lời của người đàn bà tốt bụng ấy. Từ đó, cô luôn nghĩ, sao học sinh, người xa lạ thương mình đến vậy, mà mình có thể bỏ mặc lòng tốt của họ được. Suy nghĩ ấy, giúp cô đáng kể trong việc đẩy lùi căn bệnh. Trở về nhà, học sinh đến thăm, lòng cô thêm ấm áp.
…
3. Cô khoe, mình đã đi dạy lại được khoảng một năm - điều mà cô chưa từng nghĩ đến, kể từ lúc vật lộn với bệnh tật. Còn chồng cô, đã được xin được việc cũng khá “ngon lành”. Tiếc là do đặc thù của công việc xây dựng, nên tôi không thể gặp anh lúc đến nhà. Gian truân có thể chưa hết, nhưng những gì trước mắt, tôi tin rằng ngày cô trở lại với cuộc sống bình thường sẽ không còn xa nữa, khi mà bên cô, luôn có những thế hệ học sinh làm điểm tựa…