Tuy nhiên, mức giảm này vẫn thấp hơn so với dự báo sụp đổ 35% hồi mùa xuân năm nay, phần lớn nhờ vào sự phục hồi thị trường ở Trung Quốc, nơi đang tạo ra gần 1/3 tổng doanh số.
Vào năm 2020, lĩnh vực xa xỉ phẩm dự kiến chỉ tạo ra 256 tỷ USD doanh thu, thấp hơn 2 tỷ euro so với năm 2014 và giảm 64 tỷ euro so với năm 2019, theo số liệu của Bain.
Đây là mức giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, khi ngành này bị sụt giảm 9% nhưng cũng nhanh chóng phục hồi vào năm sau.
"Thời gian phục hồi sau đại dịch COVID-19 sẽ vẫn chưa chắc chắn vì các nước châu Âu và Mỹ vẫn chưa thể kiểm soát tình hình. Các lệnh phong tỏa toàn quốc đã khiến hệ thống bán lẻ và du lịch một lần nữa đóng cửa", chuyên gia thị trường Claudia D’Arpizio của Bain cho biết.
D'Arpizio kỳ vọng triển vọng hồi phục sẽ trở nên rõ ràng hơn trong quý hai năm sau, khi đó mới có thể đánh giá được mức độ chi tiêu tại thị trường Trung Quốc, cũng như tác động của các lệnh phong tỏa tại châu Âu cùng với bất kỳ chính sách thuế mới nào của Mỹ dưới thời ông Joe Biden.
Tỷ lệ tăng trưởng năm 2021 được dự báo sẽ giảm từ 10% đến 19%. Lợi nhuận của các thương hiệu xa xỉ phẩm dự kiến sẽ giảm 60% trong năm nay và chỉ phục hồi một nửa trong năm tới.
Bain dự đoán đà phục hồi toàn cầu sẽ chỉ bắt đầu từ năm 2022 đến năm 2023, với các khách hàng Trung Quốc tiếp tục đóng góp gần một nửa tổng doanh số vào năm 2025.
Khi ngày càng nhiều người trên toàn cầu buộc phải ở nhà, doanh số bán hàng may mặc đã giảm 30% xuống còn 45 tỷ euro. Giày dép giảm 12% xuống 19 tỷ euro, nhờ xu hướng giày thể thao đã thúc đẩy sự phục hồi trong nửa cuối năm, trong khi doanh số bán đồ trang sức đã giảm 15% xuống 18 tỷ euro.
Đại dịch đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi của ngành bán lẻ, bao gồm chuyển sang mua hàng trực tuyến, tập trung vào tính bền vững và đa dạng, nhận thức về vai trò ngày càng tăng của thế hệ trẻ và thử nghiệm các nền tảng kỹ thuật số.
Bà D’Arpizio cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng càng kéo dài, một số thương hiệu sẽ cạn kiệt tiền mặt, buộc một số phải ngừng kinh doanh và một số khác phải tái cơ cấu. “Tình hình càng kéo dài, chúng ta càng có nguy cơ khủng hoảng kéo dài vĩnh viễn", vị chuyên gia khẳng định.