Ngày 18/12/2024, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp cùng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tổ chức Diễn đàn Chuỗi phân phối LNG toàn cầu và vị thế của Việt Nam nhằm xác định cơ hội và thách thức đối với Việt Nam.
Ban tổ chức trân trọng cảm ơn Đơn vị đã tham gia đồng hành cùng Diễn đàn là Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) – Đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đủ điều kiện xuất, nhập khẩu LNG.
Ông Nguyễn Khắc Quyền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - Bộ Công Thương phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn. |
Dự báo, nhu cầu LNG của Việt Nam sẽ đạt từ 15-20 MTPA vào năm 2030 và từ 20-25 MTPA vào năm 2035, đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường năng lượng này. Tuy nhiên, hiện nay, ngành LNG tại Việt Nam còn ở giai đoạn phát triển ban đầu, với sản lượng nhập khẩu năm 2023 chỉ đạt khoảng 0,1 MT, chiếm 0,2% tổng lượng LNG nhập khẩu toàn cầu. Tuy vậy, LNG được xem là nguồn năng lượng quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Việt Nam chính thức gia nhập bản đồ LNG toàn cầu với vai trò là một nhà nhập khẩu mới. Với các dự án phát triển hạ tầng năng lượng như các cảng LNG và các nhà máy điện khí LNG, Việt Nam đang nắm bắt cơ hội để gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng LNG toàn cầu. Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển 13 nhà máy điện khí LNG với tổng công suất 22.524 MW, nhưng hiện tại mới chỉ có dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 hoàn thành với công suất 1.624 MW. Những dự án này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và tăng tính hấp dẫn của thị trường LNG Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Một trong những bước đi tiên phong là dự án Kho cảng LNG Thị Vải, đã đi vào vận hành với công suất giai đoạn đầu đạt 1 MTPA và dự kiến sẽ mở rộng lên 3 MTPA. Dự án này không chỉ đóng góp vào việc tăng cường năng lực lưu trữ và tái khí hóa, mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế địa phương và củng cố niềm tin của các đối tác quốc tế trong việc đảm bảo nguồn cung LNG ổn định.
Tuy nhiên, ngành LNG tại Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Các vấn đề về cơ chế, chính sách, chi phí đầu tư cao và sự biến động của thị trường toàn cầu là những yếu tố cần được khắc phục. Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn điện khí LNG đến năm 2030 sẽ gặp nhiều khó khăn, do giá điện LNG cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, khiến cho khả năng cạnh tranh trên thị trường trở nên hạn chế. Các cơ chế và chính sách vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp LNG tại Việt Nam.
Ông Lê Ngọc Anh – Giám đốc dữ liệu - Viện Dầu khí Việt Nam |
Ngoài các dự án hiện tại, Việt Nam còn có một số dự án lớn khác như LNG Hiệp Phước giai đoạn 1 và các dự án đang trong quá trình chuẩn bị, bao gồm những dự án cảng LNG trọng điểm tại Hải Linh, Sơn Mỹ và Đình Vũ. Những dự án này không chỉ đóng góp vào việc gia tăng năng lực cung cấp LNG mà còn là động lực phát triển kinh tế cho các khu vực liên quan.