Độc đáo 'Tết năm cùng' của đồng bào Dao

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - "Tết năm cùng" là một trong 3 cái Tết quan trọng trong một năm của cộng đồng người Dao ở xứ Thanh cũng như đồng bào Dao quần chẹt nói riêng ở các huyện miền núi Cẩm Thủy, Ngọc Lặc.
Người Dao xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa nặn bánh để sử dụng trong lễ đón tết năm cùng. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN
Người Dao xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa nặn bánh để sử dụng trong lễ đón tết năm cùng. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Đến nay, tục lệ đón “Tết năm cùng” của người Dao quần chẹt ở Thanh Hóa vẫn lưu giữ được rất nhiều nét đặc trưng, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của anh em trong dòng họ và tình đoàn kết của cộng đồng.

Có dịp về huyện miền núi Cẩm Thủy những ngày cuối năm chúng tôi đến thăm đồng bào Dao quần chẹt tại thôn Thạch An, xã Cẩm Liên. Trong ngôi nhà mái bằng khang trang, rộng rãi, anh Triệu Hùng Cường (thôn Thạch An, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy) đang tiếp đón họ hàng và khách phương xa.

Anh Triệu Hùng Cường phấn khởi cho biết: “Tết năm cùng” là phong tục rất quan trọng đối với người Dao nên cứ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch hàng năm, hầu hết các gia đình trong thôn sẽ lần lượt chuẩn bị cỗ, mời thầy cúng về làm lễ và mời anh em, họ hàng đến ăn Tết. Để đón “Tết năm cùng”, các gia đình dân tộc Dao đã tăng gia sản xuất, chuẩn bị trước 2 tháng như nuôi lợn, nuôi gà trống thiến, chuẩn bị gạo nếp, nguyên liệu làm bánh...

Độc đáo 'Tết năm cùng' của đồng bào Dao ảnh 1
Người dân tộc Dao chuẩn bị đồ ăn trong ngày Tết năm. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Đón “Tết năm cùng”, có 3 món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng là thịt lợn, gà và bánh dày. Lợn phải mổ nguyên con, thủ lợn được dùng để làm lễ cúng, phần còn lại được chế biến thành các món ăn. Để mổ lợn, từ sáng sớm, những thanh niên khoẻ mạnh, nhiệt tình trong dòng họ đều được trưởng họ huy động đến để đi bắt lợn, mổ lợn và tham gia vào việc giã bánh dày. Bánh dày được làm từ gạo nếp đồ thành xôi chín, sau đó cho vào cối đá giã nhuyễn, trộn cùng với vừng rang rồi nặn thành từng chiếc bánh tròn vừa ăn.

Trong “Tết năm cùng” của đồng bào Dao quần chẹt xứ Thanh thì nghi lễ cúng là nghi lễ quan trọng nhất, thường do 3 thầy cúng thông thạo tiếng Dao cổ hành lễ. Trong tín ngưỡng thờ cúng, đồng bào Dao chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Đạo giáo. Ba mâm lễ lần lượt được bày biện thành kính để cúng hương hỏa tổ tiên (những bậc cao niên trong gia đình), cúng Bàn vương (thủy tổ của người Dao) và cúng quần chúng gia tiên (những người nhỏ hơn trong gia đình như vợ, con...). Các thầy cúng sẽ thay mặt gia chủ kính cáo với tổ tiên, Bàn vương, gia tiên những những công việc đã làm được và những công việc còn chưa làm được trong năm, đồng thời cầu mong những điều may mắn, thuận lợi sẽ đến trong năm mới.

Độc đáo 'Tết năm cùng' của đồng bào Dao ảnh 2
Người Dao xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa nặn bánh để sử dụng trong lễ đón tết năm cùng. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Sau nghi lễ cúng, lễ vật được hạ xuống để tất cả mọi người cùng ăn Tết. Thức ăn được đặt trong mâm hoặc rổ hình tròn, bên trên lót lá chuối tươi. Thầy cúng và các vị chức sắc trong làng, các con trai trong họ ngồi mâm riêng trong nhà lớn. Còn thanh niên, phụ nữ trong gia đình thì ăn ở ngoài sân hoặc nhà dưới. Trong bữa ăn, người Dao thường mời nhau chén rượu, chúc nhau những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Người Dao quần chẹt quan niệm, gia đình nào có nhiều khách thăm nhà, ăn “Tết năm cùng” sẽ càng may mắn trong năm mới, vì thế trong những ngày “Tết năm cùng”, cộng đồng người Dao luôn sống trong không khí tràn đầy hân hoan, phấn khởi...

Bà Phùng Thị Thúy (thôn Thạch An, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy) cho biết: "Chúng tôi rất háo hức mong đến ngày Tết của dân tộc mình, tục lệ đã ăn sâu vào mỗi thế hệ nơi đây nên cứ đến ngày này ai cũng thấy phấn khởi nô nức để về dự tết với gia đình. Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chúng tôi hạn chế tập trung đông người, ví dụ mọi năm sẽ tập trung ăn uống 20-30 mâm ở một nhà, còn năm nay sẽ chia ra ăn ở 2-3 nhà bên cạnh đó...

Thôn Thạch An, xã Cẩm Liên có 93 hộ dân tộc Dao với 310 nhân khẩu. Vào dịp “Tết năm cùng”, các nhà trong thôn sẽ lần lượt tổ chức ăn uống và mời người thân, họ hàng đến chung vui. “Tết năm cùng” cũng là dịp để anh em, người thân làm ăn xa về tụ họp, lễ cúng tổ tiên, báo cáo một năm làm ăn thuận lợi và cầu mong một năm mới làm ăn thuận lợi, gia đình khỏe mạnh. Một mùa Xuân mới, một cái Tết ấm cúng nữa đang về với người Dao quần chẹt ở xã Cẩm Liên nói riêng và đồng bào dân tộc Dao nói chung trên mảnh đất xứ Thanh.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Liên cho hay: Xã Cẩm Liên có 5 thôn, trong đó thôn Thạch An có 84 hộ dân tộc Dao sinh sống. Cứ đến cuối năm, đồng bào dân tộc Dao tổ chức ăn “Tết năm cùng” để tổng kết năm cũ và cầu chúc mọi điều may mắn sẽ đến trong năm mới. Nghi lễ thờ cúng ngày “Tết năm cùng” của đồng bào dân tộc Dao quần chẹt không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện sự thành kính của con cháu với tổ tiên vì thế công tác chuẩn bị và bày trí cho nghi lễ này được đồng bào rất chú trọng. Sau “Tết năm cùng”, bà con người Dao lại tất bật dọn dẹp nhà cửa để đón Tết Nguyên đán đang đến rất gần.

Trên địa bàn huyện Cẩm Thủy hiện có gần 4.000 đồng bào dân tộc Dao quần chẹt sinh sống tại các xã Cẩm Bình, Cẩm Liên, Cẩm Châu và thị trấn Phong Sơn. Mỗi năm đồng bào dân tộc Dao đón 3 cái tết là rằm tháng Bảy, Tết năm cùng và Tết thanh minh. Thời gian tới, huyện Cẩm Thủy tiếp tục có những chính sách khuyến khích đồng bào dân tộc Dao gìn giữ, bảo tồn và phát huy các nghi lễ, các nét đẹp văn hóa độc đáo này.

Xưởng phim Marvel nhìn lại một năm đầy chông gai
Xưởng phim Marvel nhìn lại một năm đầy chông gai
(Ngày Nay) - Ông Louis D'Esposito, đồng chủ tịch Marvel Studios, thừa nhận rằng vũ trụ điện ảnh Marvel đã trải qua một năm 2023 "khó khăn” khi chứng sự thất bại về doanh thu phòng vé của hai tác phẩm chủ lực: “Ant-Man 3” và “The Marvels. ”
Ảnh minh họa.
Thành đạo theo tinh thần Thiền tông
(Ngày Nay) - Sau khi vượt thành xuất gia, Sa-môn Cù Đàm trải qua nhiều năm tháng tầm sư học đạo và khổ hạnh nơi rừng già, mục đích tìm ra con đường thoát ly sanh tử.
Ảnh minh họa.
Suy ngẫm về sống chết
(Ngày Nay) - Sống và chết là hai sự kiện không tách rời nhau. Có sinh ra là phải có mất đi. Thường con người chỉ lo phần sống, ít ai màng tới phần chết. Tại sao? Khi nghiền ngẫm về cái chết, có lợi ích gì cho đời sống?
Thalassemia là bệnh chưa thể chữa khỏi. (Ảnh minh họa)
Ngày Thalassemia thế giới 8/5: Tầm quan trọng của tầm soát trước hôn nhân
(Ngày Nay) - Bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia (hay còn gọi bệnh Thalassemia) là một bệnh di truyền – bẩm sinh, có đặc điểm là gây tan máu nhiều và thường xuyên dẫn đến thiếu máu mãn tính. Bệnh gặp ở cả nam và nữ. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động.
Tác phẩm "Ký ức Hà Nội xa 2"
Triển lãm "Khát": Dấu ấn nghệ thuật giữa lòng Hà Nội
(Ngày Nay) - Chiều ngày 6/5, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội), đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Khát" của hai nghệ sĩ: họa sĩ Nguyễn Thành Việt và nhà điêu khắc Triệu Tiến Công. Triển lãm là sự kết hợp độc đáo giữa hội họa và điêu khắc, mang đến cho công chúng những góc nhìn mới mẻ về chủ đề "Khát".
Cung tuyên văn tế tưởng niệm Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Tri ân công đức Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh
(Ngày Nay) -  Sáng 8/5 (tức 1/4 Âm lịch), tại Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bia, UBND huyện Cẩm Giàng cùng chính quyền và nhân dân xã Cẩm Văn tổ chức dâng hương tưởng niệm, tri ân công lao, y đức của vị Thánh thuốc Nam, Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh và khai hội truyền thống đền Bia.