Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định, chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cũng yêu cầu đội ngũ văn nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Thực hiện quan điểm và yêu cầu đó, các cơ quan văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta đã cố gắng bắt nhịp với cuộc sống sôi động, phong phú của sự nghiệp đổi mới, phản ánh được khát vọng chân, thiện, mỹ của nhân dân; xu thế đi lên của đất nước và thời đại.
Nhờ sự mở rộng về không gian sáng tạo, tư duy nghệ thuật, quan niệm nhân sinh của văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới, nên văn học vừa phản ánh được những nỗ lực và thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vừa phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong đời sống xã hội.
Từ kết quả đó, xây dựng văn hóa và con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tha hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống; phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho rằng, văn học nghệ thuật từ lâu đã trở thành một sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, góp phần đưa đất nước đi đến thắng lợi vẻ vang, từng bước kiến thiết, xây dựng đất nước trong suốt 30 năm qua.
Những nhà văn, nghệ sĩ đã sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần xây dựng nhân cách, tâm hồn, cổ vũ khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh…
Theo Giáo sư Lê Chương, để văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, trách nhiệm đặt lên vai những người làm công tác văn học, nghệ thuật là rất nặng nề. Các nghệ sĩ cần phải có bản lĩnh vững vàng, bám sát cuộc sống và thực tiễn của đất nước để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị, góp phần phát triển bền vững văn hóa, con người Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ trong quá trình đồng hành cùng sự phát triển đất nước. Từ đó xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm bản sắc dân tộc; đồng thời tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…
Nhiều đại biểu cho rằng, ngày nay, sáng tạo trở thành nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển của nhiều quốc gia, phát triển kinh tế sáng tạo, đang là xu hướng, thời cơ lớn. Những thay đổi từ bên ngoài có ảnh hưởng rất lớn và sâu sắc đối với quá trình sáng tạo, tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa, văn nghệ ở Việt Nam.
Những nội dung được đại biểu thảo luận nhiều tại Hội thảo là làm thế nào để văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ ý thức rõ hơn vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình trước đất nước và nhân dân; làm thế nào để văn nghệ sĩ sẵn sàng dấn thân, nhập cuộc bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng, bản lĩnh để nắm bắt và chuyển hóa sự ngổn ngang, bề bộn, phức tạp của hiện thực đổi mới đất nước thành tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, chân chính...