Donald Trump phân biệt chủng tộc?
MC Holt hỏi ông Trump điều gì khiến ông thay đổi quan điểm về gốc gác của Tổng thống Obama do trước đó tỷ phú cho rằng ông Obama không phải người Mỹ. Trump nói trợ lý của bà Clinton là Sydney Blumenthal mới chính là người đặt ra vấn đề này còn ông là người kết thúc nó.
Nhà báo Holt nói: "Giấy khai sinh được công bố năm 2011, nhưng ông liên tục nhắc đến vấn đề trong năm 2012, 2013, 2014...". Ứng viên đảng Cộng hòa trả lời rằng "không ai quan tâm nhiều về nó". Ông cũng khẳng định việc ông đòi đưa ra giấy khai sinh của tổng thống là "việc tốt" cho đất nước.
Clinton công kích rằng ông Trump đang cố ém nhẹm đi sự phân biệt chủng tộc của vị tỷ phú. "Tuy nhiên điều đó không thể biến mất được. Ông ấy bắt đầu chiến dựa trên những lời nói dối mang tính phân biệt chủng tộc bởi vì một vài trong số những người ủng hộ ông ấy tin nó hoặc muốn tin nó". Ảnh: Reuters
Khủng bố và kinh tế là mối quan tâm của cử tri Mỹ
Thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy các chủ đề quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ trong năm 2016 là kinh tế và khủng bố. Ảnh: Guardian
Clinton: Tôi xin chịu trách nhiệm về sai sót email cá nhân
Ông Trump khẳng định sẽ tung ra các giấy tờ khai thuế ngay sau khi bà Clinton công khai các nội dung email cá nhân trong khi bà Clinton nói bà sẽ không xin lỗi. "Đó là một sự nhầm lẫn và tôi chịu trách nhiệm về việc đó".
Người dẫn chương trình nêu vấn đề về các vụ xả súng nhằm vào người da màu. Bà Clinton nói: "Không may là chủng tộc quyết định rất nhiều. Chúng ta phải khôi phục lòng tin giữa người dân và cảnh sát. Chúng ta phải hành động để đảm bảo rằng cảnh sát được huấn luyện và trang bị một cách tốt nhất và họ đã được đào tạo để sử dụng vũ lực. Ai nấy đều cần tôn trọng luật pháp và được luật pháp tôn trọng".
Nói về súng, ứng cử viên đảng Dân chủ cho rằng: " Súng tràn ngập trên đường phố. Tại nhiều nơi, cảnh sát bị đe doạ và bắn chết. Việc cần làm là tước súng từ những kẻ chuyên đi làm hại. Điều này phải được thực hiện bởi kết hợp giữa hai đảng". Ảnh: Reuters
Người dân chăm chú theo dõi hai ứng viên tổng thống
Trump và Clinton tranh cãi gay gắt về vấn đề hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Trump nói: "Bà từng gọi nó là tiêu chuẩn vàng".
Bà Clinton: "Ồ Donald, tôi biết ông sống trong hiện thực của chính mình". Clinton giải thích bà ủng hộ ý tưởng TPP trước khi nó thành hiện thực. Ảnh: Reuters
Người dẫn chương trình Lester Holt "nóng" trước các tranh luận nảy lửa của ông Trump và bà Clinton, trong khi người dân chăm chú theo dõi phát biểu của hai vị ứng viên tổng thống. Ảnh: Reuters
Bà Clinton nhận được câu hỏi đầu tiên: "Tại sao bà là lựa chọn tốt hơn đối thủ trong việc tạo ra những công việc giúp người lao động Mỹ có thêm thu nhập?" Bà Clinton chia sẻ rằng ngày tranh luận cũng là ngày sinh nhật 2 tuổi của cháu gái Charlotte. Sau đó, cuộc tranh luận nhanh chóng bước vào các nội dung đầu tiên, tranh cãi về kế hoạch tăng trưởng cho nền kinh tế Mỹ.
Bà Clinton mở đầu tranh luận bằng vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới, nghỉ phép gia đình có trả lương. Tỷ phú Trump đáp lại: "Chúng ta phải dừng ngay chuyện việc làm bị đánh cắp".
Clinton tấn công Trump với cáo buộc ông là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng giá nhà hồi năm 2008. Trump đáp trả: "Đó gọi là kinh doanh".
Theo CNN, với câu hỏi đầu tiên về vấn đề thu nhập của người lao động, cả hai ứng viên đều đưa ra câu trả lời rất "chung chung".
Hai ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, và đại diện đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, bắt tay trên sân khấu của Đại học Hofstra, New York, trước khi bước vào tranh luận. Ảnh: Reuters
Melania và Ivanka Trump, vợ và con gái tỷ phú Donald Trump, ngồi cạnh ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa Pence theo dõi buổi tranh luận. Bà Melania bắt tay cựu tổng thống Bill Clinton, chồng của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters
Các nhà báo chuẩn bị sẵn sàng để đưa tin về cuộc tranh luận được chờ đợi. Trong khi đó, tên bà Hillary Clinton bị viết sai trên vé mời dự tranh luận. Ảnh: NYT/VOA/Getty.
Trò chuyện với CNN trước giờ tranh luận, cựu ứng viên tranh cử tổng thống Bernie Sanders cho rằng bà Clinton là người duy nhất hiểu rõ các vấn đề thực tế. Ông cũng chỉ trích truyền thông tập trung vào các yếu tố ngoài lề như quần áo, phong cách... mà bỏ qua ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử.
"Đây không phải là đêm hội, cũng không phải là đêm diễn ra Super Bowl (trận chung kết bóng bầu dục quốc gia ở Mỹ). Đêm nay, người dân Mỹ sẽ xem ai sẽ có đủ quyền lực để quyết định hướng đi của đất nước chúng ta, 320 triệu dân cũng như phần còn lại của thế giới", Sanders nói.
Nơi Hillary và Trump tranh luận cảnh báo yếu tố nhạy cảm
CBS cho hay, Đại học Hofstra (New York) đã đặt bảng cảnh báo bên ngoài khu vực tổ chức tranh luận. Tấm bảng viết: "Sự kiện diễn ra tại khu vực sau tấm bảng này có thể chứa các yếu tố gây kích động hoặc nhạy cảm. Bạo lực tình dục, quấy rối tình dục và lăng mạ là một số chủ đề được đề cập trong sự kiện này".
Tấm bảng cũng cung cấp các địa chỉ hỗ trợ cũng như đường dây nóng để sinh viên liên lạc nếu như gặp vấn đề liên quan đến những yếu tố nhạy cảm nói trên.
Đây là lần thứ 3 liên tiếp Đại học Hofstra được chọn làm nơi tổ chức tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ.
Sẵn sàng cho cuộc tranh luận đầu tiên
Sân khấu tại Đại học Hofstra, New York, được chuẩn bị sẵn sàng và nhà báo Lester Holt của NBC sẽ điều khiển tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ. Ảnh: Getty/CNN.
Đếm ngược trước giờ "so găng"
Hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump đang đếm ngược từng giờ trước khi màn đối đầu trực diện đầu tiên. Cuộc tranh luận dường như trở nên nặng nề và căng thẳng bởi cuộc thăm dò mới nhất cho thấy hai ứng viên tổng thống có tỷ lệ ủng hộ gần như ngang nhau.
Ngoài ra, cuộc đua năm nay khiến nhiều người chú ý bởi lẽ sự đối lập lớn giữa hai ứng viên. Bà Clinton là một chính trị gia sành sỏi và dường như đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho trận đấu khẩu từ vài tuần trước. Trong khi đó, ông Trump là một doanh nhân lần đầu tiên bước vào chính trường. Theo những người thân cận, ông đã bỏ qua nhiều yếu tố trong việc chuẩn bị cho cuộc tranh luận truyền thống được dự đoán lập kỷ lục với 100 triệu người xem.