Trong nghiên cứu này, một nhóm các nhà khoa học thuộc Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nam Cực của Australia (ACEAS) đã phát hiện các dòng hải lưu của đại dương phía Nam đang chảy chậm hơn 30% kể từ thập niên 1990. Các phát hiện này được công bố chỉ 2 tháng sau một nghiên cứu dự báo dòng hải lưu ở đây sẽ chảy chậm lại 40% vào năm 2050.
Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu mới cho thấy sự chảy chậm lại đang diễn ra, đồng thời cảnh báo về các tác động thảm khốc có thể xảy ra, gồm mực nước biển dâng, thay đổi các hình thái thời tiết và các hệ sinh thái mất đi những dưỡng chất quan trọng.
Dòng hải lưu sâu quanh khu vực Nam Cực bắt nguồn từ vùng biển lạnh ngoài khơi thềm lục địa Nam Cực và đóng một vai trò then chốt ảnh hưởng đến khí hậu bằng cách tác động đến mạng lưới các dòng chảy đại dương có chức năng bơm nhiệt, carbon, oxygen và các dưỡng chất xuống biển sâu trên toàn thế giới hiện nay.
Nhà khoa học Steve Rintoul từ CSIRO Environment cho biết: "Chúng ta quen với nhận định rằng lớp băng Nam Cực tan làm mực nước biển dâng. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho thấy những sông băng tan ở Nam Cực mở rộng đến lòng biển sâu, ảnh hưởng đến khí hậu và môi trường hóa học đại dương cũng như mực nước biển". Sự thay đổi này là kết quả của một loạt yếu tố gồm băng ở Nam Cực tan, nước ngoài khơi trở nên ngọt hơn và nhẹ hơn, trong khi lượng nước giàu oxygen vốn có thể chìm xuống biển sâu giảm, làm dòng hải lưu chảy chậm lại.
Kathy Gunn, tác giả chính của nghiên cứu từ ACEAS và CSIRO, cho biết quá trình ngọt hóa nước biển dự báo sẽ tăng nhanh do lớp băng Nam Cực chịu tác động của khí hậu ngày càng ấm lên. Bà nhấn mạnh: "Do đó, chúng tôi dự báo dòng hải lưu đại dương sâu và mức oxygen của nó tiếp tục giảm. Sự suy giảm này đang thay đổi đáng kể môi trường hóa học và cấu trúc của đại dương sâu".