Một nhóm các nhà khoa học đã sử dụng bản đồ dưới biển để lần đầu tiên tạo ra một bản sao kỹ thuật số chính xác của xác tàu Titanic.
Bằng cách thực hiện “dự án quét mô hình dưới nước lớn nhất trong lịch sử”, các nhà khoa học đã tìm cách “tiết lộ chi tiết về thảm kịch và khám phá thông tin hấp dẫn về những gì thực sự đã xảy ra với con tàu Titanic đêm định mệnh 14/4 năm 1912.
Theo thông cáo báo chí, quá trình quét xác tàu được thực hiện vào mùa hè năm 2022 bởi một tàu chuyên dụng đậu cách bờ biển Canada 700 km.
Các nhà nghiên cứu cho biết từng milimet của con tàu được lập bản đồ chi tiết. Bản sao kỹ thuật số cuối cùng đã thành công trong việc chụp lại toàn bộ xác tàu Titanic, bao gồm cả phần mũi và đuôi tàu, đã tách ra khi chìm vào năm 1912.
Ông Parks Stephenson, một chuyên gia đã nghiên cứu về tàu Titanic trong 20 năm, đã ca ngợi dự án này đã giúp khai quật được “những chi tiết chưa từng thấy trước đây”.
“Chúng tôi có dữ liệu thực tế mà các kỹ sư có thể sử dụng để kiểm tra cơ chế thực sự đằng sau vụ chìm tàu, từ đó tiến gần hơn đến câu chuyện có thật về thảm họa Titanic", ông Stephenson nhận xét.
Đáng chú ý, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, việc số hóa bản đồ giúp phát hiện ra số sê-ri trên chân vịt.
Khoảng 715.000 hình ảnh và 16 terabyte dữ liệu đã được thu thập trong chuyến thám hiểm, ước tính “lớn hơn khoảng 10 lần so với bất kỳ mô hình 3D dưới nước nào từng được thực hiện trước đây,” CEO Richard Parkinson của công ty Magellan - đơn vị thực hiện dự án, cho biết.
Trong khi các hình ảnh quang học trước đây của con tàu bị hạn chế bởi mức độ ánh sáng yếu và chất lượng ánh sáng kém ở độ sâu hơn 3.800 m dưới mặt nước, thì kỹ thuật lập bản đồ mới đã rút đi phần nước một cách hiệu quả và tăng thêm ánh sáng.
Theo ông Stephenson, bản đồ này sẽ báo trước “sự khởi đầu của một chương mới” cho việc nghiên cứu và khám phá Titanic.