Chuyện “hàng xóm”
Xét về tiềm năng để phát triển du lịch, Singapore gần như chẳng có gì: Không “rừng vàng”, không có nước ngọt từ sông và hồ, bờ biển chỉ dài vỏn vẹn 193 km. Vậy mà quốc đảo có diện tích chỉ tương đương Phú Quốc của Việt Nam với dân số 5,2 triệu dân mỗi năm đón lượng khách du lịch gấp ba lần dân số.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy có hơn 80% khách quốc tế đến Đà Nẵng lần đầu nhưng chỉ gần 7% khách đến lần thứ ba trở lên. Trong khi đó, lượng khách quốc tế quay lại Thái Lan lần 2 trở lên chiếm 82%, và 89% với Singapore.
Thành công của Singapore trong cách làm du lịch đã được phân tích trên khá nhiều tài liệu, bài báo. Nhưng tựu trung lại, khi không có rừng vàng, biển bạc, Singapore biết lấy sáng tạo của con người làm “tài nguyên”. Chiến lược phát triển du lịch năm 2012 của Singapore với chủ đề “Địa giới du lịch 2020” đặt mục tiêu rõ ràng: đầu tư 300 triệu đô la Singapore để tổ chức các sự kiện du lịch, 340 triệu đô la phát triển sản phẩm du lịch, 265 triệu đô la phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Kết quả của chiến lược đó là những công trình nhân tạo như tượng Merlion, vòng quay khổng lồ, cụm nhà hàng Esplanade, Marina Bay Sands, Garden by the bay… đưa Singapore trở thành trung tâm du lịch giải trí hàng đầu châu lục và thế giới.
Năm 2017, Singapore đón 17,4 triệu lượt khách quốc tế, thu về 26,8 tỷ SGD (20 tỷ USD), lọt Top 4 thành phố đáng du lịch nhất thế giới. Đến năm 2018, nước này đạt kỷ lục 18,5 triệu lượt du khách quốc tế.
Sự “đứng im” của một thành phố du lịch
So với Singapore, du lịch Đà Nẵng có nhiều lợi thế hơn hẳn. Có sông, núi, biển, rừng nguyên sinh, có những bãi tắm đẹp như thiên đường… hiếm có thành phố nào được thiên nhiên ưu ái như thế. Tận dụng được những thế mạnh ấy để bứt phá, Đà Nẵng đã trở thành thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch luôn dẫn đầu cả nước suốt một thập kỷ qua, cũng là 1 trong 3 đầu tàu thu hút khách du lịch hàng đầu Việt Nam.
Nhưng hai năm trở lại đây, khi liên tục rớt hạng về chỉ số PCI, khi du khách đến thành phố bắt đầu thấy một Đà Nẵng không có gì mới hơn ngoài tắm biển, lên Bà Nà vui chơi giải trí, vào một hai công viên, tham quan Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà… người ta bắt đầu lo lắng cho một Đà Nẵng đang bị Quảng Ninh và nhiều tỉnh thành khác… “qua mặt”.
Từ ngôi á quân PCI năm 2017, Đà Nẵng sau nhiều năm liên tiếp ở vị trí số 1 - đã tụt xuống tận số 5 trong năm 2018. Sự tụt dốc thê thảm này liệu có phải là một phần lý do khiến du lịch Đà Nẵng gần như chững lại, không có sản phẩm mới (trừ cây Cầu Vàng tại Bà Nà Hills hồi tháng 6/2018 khiến truyền thông thế giới xôn xao và một lễ hội pháo hoa được coi là bước chuyển đột phá trong công tác du lịch lễ hội). Trong khi đó, du khách tới Đà Nẵng đang có xu hướng đưa nơi này trở lại vị trí một trạm trung chuyển như nhiều năm trước, khi gần đây, những đổi mới từ du lịch Hội An đang biến phố cổ trở thành một hiện tượng, lấy đi của Đà Nẵng khá nhiều doanh thu từ lưu trú, giải trí.
Hai năm qua, lượng du khách đến thành phố vẫn tăng, nhưng kết quả khảo sát cho thấy, số ngày lưu trú bình quân của du khách đến Đà Nẵng vẫn chưa có nhiều cải thiện, mức lưu trú bình quân của một du khách cũng chỉ đạt khoảng 2 ngày, mức chi tiêu của khách tại thành phố vẫn còn thấp. Trong đó, mức chi tiêu bình quân 1 ngày đối với khách quốc tế là 1,567 triệu đồng; khách nội địa là 1,029 triệu đồng. Không khó để lý giải cho sự thực này, khi mà một trung tâm du lịch như Đà Nẵng chỉ đếm đầu ngón tay có một hai quán bar sôi động về đêm, cũng chẳng có những show diễn nghệ thuật như Alcazar (Thái Lan) hay các show của Trương Nghệ Mưu ở Trung Quốc. Chợ đêm và các hoạt động đường phố mờ nhạt, nhỏ lẻ. Trung tâm mua sắm đẳng cấp quốc tế chưa hề có… Là thành phố biển mà không có công viên biển, cũng chẳng nhiều các hoạt động vui chơi với nước, khám phá đại dương. Ngay đến cảng tàu khách du lịch chuyên biệt cũng không có. Nếu ở quá hai ngày, du khách cũng chả biết chơi đâu nữa.
Bàn về vấn đề này, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Empire Trịnh Việt Hưng thẳng thắn: “Đà Nẵng hiện đang thiếu các tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm, ẩm thực cũng như các show diễn nghệ thuật có quy mô lớn, đặc sắc nhằm thu hút và giữ chân du khách”.
Tại Hội nghị đầu tư du lịch Đà Nẵng trong khuôn khổ tuần lễ chuyên đề hướng tới tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: “Vấn đề của Đà Nẵng không phải thiếu nhà đầu tư mà là đầu tư vào cái gì, mà ở chỗ du lịch Đã Nẵng đã đến ngưỡng, chúng ta cần có những sản phẩm giải trí chuyên biệt và có cảm hứng cho khách du lịch”.
Để vượt qua cái “ngưỡng” đó, để lấy lại vị thế và không ngừng hấp dẫn du khách, du lịch Đà Nẵng bây giờ chắc không thể đứng yên mà tự mãn với những thành quả quá khứ nữa rồi?!.