Người Thái “vô đối” ở Đông Nam Á trong nỗi khắc khoải đằng đằng của phần còn lại, bao gồm cả Việt Nam.
1. Một lần nữa, HLV A.Ried lại về nhì, bất chấp những cố gắng như đến cạn sinh lực cùng đội tuyển Indonesia. Với bóng đá Việt Nam, ông A.Riedl đã có đến 4 chiếc HCB, cả ở đấu trường AFF Cup (1998,1999) và SEA Games (2003, 2005). Lần nào cũng cay đắng và để lại nhiều nuối tiếc như nhau. Đến mức tên của ông Riedl bị gắn chặt luôn với cái biệt danh có phần mỉa mai, “vua về nhì”.
Cái vận “bạc” dường như chưa hết đeo bám nhà cầm quân người Áo khi ông chuyển sang dẫn dắt đội tuyển Indonesia. Thất bại 0-2 trước Thái Lan ở trận chung kết lượt về tối 17/12 trên sân vận động Rajamangala đã chấm dứt khát vọng lần đầu đăng quang đấu trường khu vực của Indonesia và cũng là của chính HLV A.Riedl. Trước đó, Indonesia đã có tới 4 lần vào chung kết một kỳ AFF Cup các năm 2000, 2002, 2004 và 2010, và đều thua! Lần gần nhất năm 2010 do HLV A.Riedl dẫn dắt, đội tuyển Indonesia đã thua Malaysia với tổng tỉ số 2-4.
Một lần nữa, HLV A.Ried lại về nhì... |
Thất bại trước Thái Lan lần này gây nên dư âm đáng tiếc nhất, khi Indonesia đã dẫn trước 2-1 ở trận lượt đi trên sân Pakansari. Lịch sử ủng hộ đội bóng xứ vạn đảo, khi 6 kỳ AFF Cup trước đó, đội thắng ở trận lượt đi đều giành chiến thắng chung cuộc.
Kỳ vọng của người hâm mộ Indonesia là cực lớn. Hãng hàng không Garuda của Indonesia đã treo thưởng toàn bộ vé bay hạng thương gia, các đường bay cả trong nước và quốc nội cho đội tuyển nước này, nếu giành cúp. Một ngày trước trận chung kết, hãng này còn sử dụng loại máy bay Airbus 330-300 có sức chứa 287 hành khách thay cho Boeing 737-800 sức chứa 162 người trên hành trình từ Indonesia sang Bangkok, để tạo điều kiện cho nhiều CĐV Indonesia có thể qua Rajamangala ủng hộ thầy trò ông Riedl.
2. Ông Riedl có bất tài, khi luôn mang phận “bạc” trong hơn chục năm trời dẫn dắt các đội bóng ở khu vực Đông Nam Á, từ Việt Nam tới Indonesia? Hẳn nhiều người trong chúng ta lúc này mới nhận ra rằng, bóng đá Việt Nam đã có phần bất công khi gắn chặt ông Riedl với danh hiệu “vua về nhì”, như một sự mỉa mai về năng lực của nhà cầm quân người Áo.
Trong suốt nhiều năm trời, chúng ta từng luôn coi Thái Lan là đối thủ số 1 trong khu vực, nhưng lại quên đi một thực tế, người Thái có lẽ chưa bao sợ phải e ngại quá mức trước các cuộc đối đầu với Việt Nam. Các con số thống kê cho thấy rõ điều này. Cụ thể, trong 20 lần đối đầu ở các giải chính thức, Thái Lan thắng tới 14 trận, hoà 4 và chỉ thua đúng 2 trận. Một sự chênh lệch gần như tuyệt đối, phản ánh rõ cán cân sức mạnh giữa đôi bên. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, Thái Lan thống trị khu vực với dàn lực lượng trẻ, mạnh mẽ và hùng hậu, trải đều ở cả 3 tuyến. Một cách rất tự nhiên, họ luôn là ứng viên số 1 ở tất cả các giải đấu chính thức trong khu vực, từ SEA Games tới AFF Cup. Không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á đều xem Thái Lan là kình địch số một, với khát khao đánh bại họ cực lớn.
Trong bối cảnh trên, rõ ràng việc HLV A.Riedl đưa bóng đá Việt Nam giành HCV tới 4 lần (2 ở các kỳ AFF Cup 1998,1999 và 2 ở các kỳ SEA Games 2003, 2005), có thể coi đã là một sự tận lực. Nhiều quan chức LĐBĐVN thời trước khi trò chuyện lại vẫn cho rằng, ông Riedl thực sự đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam.
3. Sự vượt trội của Thái Lan lại cho thấy một thực tế khác, là bóng đá Việt Nam, bao gồm tất cả các thành tố của nó như người hâm mộ, giới chuyên gia, truyền thông…chưa thực sự có những đánh giá một cách chuẩn xác về thực tại nền bóng đá của chúng ta. Điều này dẫn đến những áp lực vô hình tạo nên với các ĐTQG trong mỗi giải đấu. Vô địch được coi là mục tiêu tối thượng, và bất kỳ HLV nào đều có thể đối diện với án sa thải nếu không thành công. Điều này dẫn tới một hệ quả khác, là tâm lý “ăn xổi”, luôn muốn đạt thành tích nhanh mà bỏ qua quá trình đầu tư lâu dài. Bóng đá Thái Lan từng trải qua khủng hoảng sau kỳ AFF Cup 2008 đánh mất chức vô địch vào tay Việt Nam.
Để trở lại vị trí thống trị khu vực như hiện nay, người Thái đã mất nhiều năm liền, chấp nhận không gặt hái được thành tích nào ở cấp độ ĐTQG để đầu tư mạnh cho khâu đào tạo trẻ. Người Thái bây giờ có rất nhiều những tài năng trẻ để có thể nghĩ tới một sân chơi cao hơn, từ Chanathip Songkrasin đến Sarach Yooyen hay Theeraton Bunmathan… Trong lúc Việt Nam vẫn còn chật vật với giấc mơ dang dở cùng những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… thì người Thái đã bắt đầu hướng tới World cup bằng những bước đi rất cụ thể chứ không phải mơ ước viễn vông.
“Có bột mới gột nên hồ”, có lẽ không nên trách thêm HLV A.Riedl bởi ông đã tận hiến. Nếu không nhanh chóng vạch ra được một chiến lược đầu tư bài bản và lâu dài, thì ông Riedl hay bất kỳ một nhà cầm quân nước ngoài nào, như Pep Guardiola hay Jose Mourinho, cũng khó lòng có thể đưa Việt Nam lên tới đỉnh Đông Nam Á.