Theo khảo sát của PV Trí Thức Trẻ, mới vài tuần trở lại đây, nhiều khách hàng tại Hà Nội được nhân viên ngân hàng BIDV thông báo tạm ngưng giải ngân với các trường trường hợp vay vốn thế chấp tài sản bằng nhà ở hình thành trong tương lai và vay mua nhà đã hình thành nhưng chưa có sổ đỏ dù trước đó ngân hàng này cho vay bình thường.
Về phía ngân hàng, đại diện ngân hàng BIDV khẳng định với Trí Thức Trẻ rằng, trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể của NHNN và tránh rủi ro, BIDV tạm thời ngừng nhận thế chấp đối với tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai/nhà ở đã mua bán, xây dựng hợp pháp nhưng chưa được cấp sổ đỏ.
Một số nhà phân tích cho rằng, nhiều quy định về nhà ở hiện nay chứa nhiều rủi ro cho các ngân hàng, nên việc tạm dừng cho vay mua nhà thế chấp là hoàn toàn hợp lý.
Cụ thể, theo khoản 2 điều 148 Luật Nhà ở 2014 quy định về điều kiện thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, việc thế chấp dự án nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được thực hiện theo quy định tại Luật này; các trường hợp thế chấp tài sản là dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai không đúng với quy định tại Luật này thì không có giá trị pháp lý.
Từ đó, có thể hiểu là không được mua nhà thế chấp bằng quyền tài sản liên quan đến hợp đồng nhà ở hình thành trong tương lai.
Chỉ có Bộ Tư pháp ban hành công văn chấp nhận thế chấp quyền tài sản hình thành trong tương lai, đối với ngân hàng rủi ro vẫn quá lớn.
Luật sư (LS) Trương Thanh Đức - chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ Online (TTO): “Người dân chỉ còn cách chấp nhận. Khổ nhất là những người đã ký hợp đồng mua nhà, thậm chí đang giải ngân rồi, bây giờ lại bị dừng lại thì họ phải chịu cảnh “sống dở chết dở”. Nhà không được mua, tiền thì phải trả lãi, thậm chí còn phải hủy hợp đồng và bồi thường cho chủ đầu tư. Cho nên, bây giờ chủ yếu người giàu mới được vay ngân hàng chứ người nghèo thì không được vay”.
LS Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM trả lời phỏng vấn PV TTO cho rằng, trong thị trường bất động sản đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay, người mua nhà, đặc biệt là mua dự án nhà ở trong tương lai phải hết sức tỉnh táo và tìm hiểu kỹ về dự án mình quyết định mua. Bên cạnh đó ngân hàng cũng cần tạo điều kiện để người dân và chủ dự án được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định pháp luật.
Hoạt động thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai là nhu cầu hính đáng của người mua hoặc chủ đầu tư để huy động vốn. Còn đối với ngân hàng, đây là nguồn tài sản đảm bảo phổ biến và có giá trị, góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng tín dụng và thu hút khách hàng. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được pháp luật quy định một cách chặt chẽ về biện pháp bảo đảm, vô tình tạo ra rào cản pháp lý cho việc thế chấp khiến một số ngân hàng phải tạm dừng cho vay gây ra tâm lý lo lắng, hoang mang cho khách hàng.
PV Trí Thức Trẻ đã làm việc với TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV. LS. Lực cũng khuyên người dân kiên trì hơn bởi đây không phải vấn đề cấm đoán. Nó chỉ là vấn đề kỹ thuật kế hợp giữa các bộ ngành với nhau. Vấn đề này đã được các bên lên tiếng, người vay cũng đã lên tiếng các ngân hàng thương mại cũng đã lên tiếng rồi. Hiện chỉ chờ các bộ ngành liên quan đưa ra hướng dẫn cụ thể.
Việc này hiện nay vượt quá thẩm quyền của ngân hàng thương mại cũng như người đi vay. Bởi nếu các ngân hàng mà cho vay sẽ bị trái luật, trái luật thì rõ ràng cả bên vay lẫn cho vay đều lo sợ.
Những người đã thế chấp căn hộ đang xây dựng hoang mang khi ngân hàng ngừng cho vay thế chấp nhà ở. Ảnh minh họa.
Đối với các ngân hàng thương mại, ông Lực cũng cho rằng, các ngân hàng cần tích cực đôn đốc các bộ, ngành để sớm có câu trả lời. Bên cạnh đó trong thời gian cũng là thời gian để người mua nhà tìm hiểu kỹ hơn về dự án, về ngân hàng vay và cũng là thời điểm để ngân hàng thẩm định thủ tục vay vốn cho khách hàng.
Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV nhấn mạnh với Trí Thức Trẻ: "Trong lúc chờ đợi, Ngân hàng và người mua nhà cần chuẩn bị các thủ tục liên quan để đến khi vấn đề pháp lý được giải tỏa tất cả những khâu thẩm định đã xong rồi, khi pháp lý rõ ràng thì có thể giải ngân được ngay chứ không phải là chờ đến lúc đấy mới bắt đầu làm thủ tục thẩm định thì sẽ mất thời gian. Những việc này cũng không nhất thiết phải chờ đến khi luật được gỡ vướng như thẩm định khả năng trả nợ của người đi vay tiền, hoàn tất những thủ tục cần thiết, Đây cũng là cách mà ngân hàng thương mại giúp người đi vay tháo gỡ một phần vướng mắc trong tình hình hiện nay".
P.V