Ngày 7/10, Giải Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội 2020 sẽ được trao. Đáng chú ý trong các giải thưởng được trao có một giải được đề cử là “Những nỗ lực xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo”.
Cuối tháng 10/2019, Hà Nội được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo của thế giới. Hơn 240 thành viên của mạng lưới sáng tạo được tập hợp trong danh sách này đều phát triển dựa trên sự sáng tạo ở các lĩnh vực như: Âm nhạc, thủ công mỹ nghệ truyền thống, thiết kế, điện ảnh, văn học, nghệ thuật kỹ thuật số hoặc ẩm thực. Với Hà Nội được công nhận thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. Theo quy định của UNESCO: Các thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới này phải cam kết đặt văn hóa vào trung tâm của các chiến lược phát triển và chia sẻ các hoạt động thực tiễn tốt nhất của mình.
Với bề dày hàng ngàn năm, Hà Nội mang trong mình trầm tích văn hóa rất lớn. Tiếc là những công trình văn hóa xưa nay bị mai một nhiều. Trong An Nam tứ đại khí xưa đã mất thì Thăng Long - Hà Nội có tới 2 tứ đại khí là tháp Báo Thiên và chuông Quy điền.
Hồ Gươm trở thành trung tâm của Hà Nội từ cuối thế kỷ 19. Khi các kẻ sĩ Bắc Hà như tiến sĩ Vũ Tông Phan, Phó bảng Nguyễn Văn Siêu xây dựng quần thể đền Ngọc Sơn, đình Trấn Ba, Tháp Bút, Đài Nghiên. Người Pháp khi phá chùa Báo Ân để xây dựng Bưu điện đã giữ lại tháp Hòa Phong của ngôi chùa Báo Ân cổ kính.
Hà Nội hiện đại ngày nay bên cạnh việc giữ gìn các di tích, di sản văn hóa (không chỉ là di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia hay thành phố) mà còn cần những sáng tạo văn hóa. Những sáng tạo này để bồi đắp thêm văn hóa cho Thủ đô. Những dự án được đánh giá và ghi nhận như: Con đường gốm sứ ven sông Hồng thực hiện từ năm 2008, chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Không gian bích họa Phùng Hưng… được đánh giá cao. Tuy nhiên, vì chạy theo thành tích mà một số “sáng tạo” chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Ví như kiến trúc của tòa nhà Bảo tàng Hà Nội…
Tất nhiên, cũng có những sáng tạo chạy theo phong trào nhưng may mắn “nổi tiếng” như đôi rồng gốm sứ kỷ lục. Những người thợ gốm sứ Bát Tràng lên kế hoạch dâng Hà Nội trong dịp kỷ niệm 1000 năm đôi rồng bằng gốm sứ sẽ to nhất thế giới. Đôi rồng có kích thước dài 35m, cao 8,6m được lắp ghép bởi 6.500 chiếc đĩa, 5 tấn mạch sứ và 4.500 chiếc cốc. Hình dáng và mọi hoạ tiết trên thân rồng làm theo phong cách rồng thời nhà Lý. Ban đầu, đôi rồng được đặt ở Công viên Bách Thảo trong dịp Lễ hội Làng nghề, Phố nghề Thăng Long - Hà Nội vào tháng 9/2010. Sau dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đôi rồng nằm im lìm “ngủ” trong công viên. Phải đến ngày 3/1/2012, đôi rồng mới được “đánh thức”, “bay tới” đậu trên mặt nước phía Tây của Hồ Tây. Thật may mắn, không gian thoáng đãng, hùng vĩ của Hồ Tây đã làm tôn thêm vẻ đẹp của đôi rồng kỷ lục.
Thế nhưng, sáng tạo văn hóa không nên chạy theo phong trào, không nên trông chờ vào sự “ăn may”. Sáng tạo văn hóa là để tôn thêm cái đẹp của Hà Nội, vẻ đẹp của một đất nước có bề dày và giàu bản sắc văn hóa