Tuyến đường này dài từ Cầu Giấy ra cầu Nhật Tân đã thông xe vào ngày 17/1. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài.
Tuyến đường Vành đai 2 đi từ Cầu Giấy – Bưởi – Võ Chí Công – Nhật Tân được khởi công từ tháng 3/2012, có mặt cắt ngang rộng từ 58-64m, mỗi bên hai làn xe cơ giới, một làn xe buýt, hai làn xe hỗn hợp. Dự án kết nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài và các trục đường phía Tây Bắc nhằm giảm tải áp lực giao thông trên tuyến đường từ cầu Thăng Long – Nội Bài hiện nay.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và phát triển giao thông đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) cho biết, đến nay đơn vị này đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc của tuyến đường này. Sau khi thông xe, đơn vị này sẽ tiếp tục hoàn thiện những hạng mục còn lại của tuyến đường.
Đường vành đai Cầu Giấy - Nhật Tân.
Sau khi thông xe, các phương tiện lưu thông theo hướng đi thẳng từ đường Võ Chí Công đến Cầu Giấy và ngược lại đi trên tuyến đường chính Vành đai 2.
Phương tiện từ Hoàng Quốc Việt đi Võ Chí Công đi theo hướng Hoàng Quốc Việt – đường bờ trái sông Tô Lịch – gầm cầu Đội Cấn – đường Bưởi cũ – tuyến đường chính Vành đai 2 – Võ Chí Công.
Phương tiện từ Hoàng Quốc Việt đi Hoàng Hoa Thám đi theo hướng Hoàng Quốc Việt – vòng xuyến nút giao Bưởi – đường nhánh Vành đai 2 – Hoàng Hoa Thám. Phương tiện từ Cầu Giấy đi Hoàng Hoa Thám đi theo hướng Cầu Giấy – tuyến chính Vành đai 2 – tuyến nhánh Vành đai 2 (gần ngõ 462 đường Bưởi) – Hoàng Hoa Thám.
Tuyến chính Vành đai 2 dành riêng cho xe máy, ô tô có chiều cao tĩnh không <4,25m, các="" phương="" tiện="" khác="" không="" được="" phép="" hoạt="" động.="">
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, sau khi dự án đường vành đai 2, đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy hoàn thành, cùng với dự án cầu Nhật Tân sẽ góp phần hoàn chỉnh kết nối trung tâm Thủ đô đến sân bay Nội Bài nhằm giảm áp lực giao thông trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hiện tại.
Dự án này cũng khiến dư luận quan tâm khi án ngữ ngay chính diện hướng đi lên cầu vượt tại nút giao thông Bưởi qua địa phận phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) là cây đa cổ thụ cao hơn 20m, tán rộng hơn 100m với đường kính hơn 2m, 5 – 6 rễ phụ.
Trong quá trình thi công, thay vì chặt bỏ cây đa, chủ đầu tư đã quyết định cho quây tôn quanh cây đa và cổng làng để bảo vệ sự nguyên vẹn của cây đa có bề dày lịch sử này.
Trao đổi với phóng viên, đại diện BQL dự án cho biết, dự án này được lập cách đây 4 – 5 năm, khi đó đơn vị đã tính toán đến phương án tối ưu nhất để bảo tồn những cây đa cổ thụ. Việc giữ lại cây đa này không ảnh hưởng đến giao thông cũng như phát sinh thêm chi phí giải phóng mặt bằng của dự án.
Nguyễn Nguyên