Long-form: Lớp học đặc biệt ở Trường Sa

Long-form: Lớp học đặc biệt ở Trường Sa ảnh 1

Vào chính Hạ, Trường Sa như một chảo lửa. Dù nắng nóng cao điểm nhưng tại đây những lớp học đặc biệt, đầy yêu thương của các thầy ở huyện đảo Trường Sa vẫn được duy trì. Tình yêu trò, khát vọng được học tập khiến cho ngôi trường nhỏ lúc nào cũng vang vọng tiếng cười, niềm vui của con trẻ

________
Long-form: Lớp học đặc biệt ở Trường Sa ảnh 2

Trong chuyến công tác ra Trường Sa cuối tháng 4 vừa qua, vượt qua hàng trăm hải lý, chúng tôi đến thăm các đảo, các trường học ở tuyến đầu Tổ quốc. Càng ở nơi xa Tổ quốc, việc học và dạy con chữ cho trẻ nhỏ càng được ưu tiên và quan tâm hàng đầu.

Ngôi trường hai tầng nằm giữa huyện đảo nhỏ xinh được bao quanh bởi những tán bàng xanh mướt khiến ai đến với Trường Sa cũng phải trầm trồ khen ngợi. Trường đẹp, học sinh đáng yêu còn thầy cô thì trẻ và đầy nhiệt huyết. Trường học gồm 2 lớp học ghép đủ các lứa tuổi, bao gồm cả học sinh mẫu giáo và tiểu học với hai người thầy như những người anh, người cha dạy học trò bằng tất cả tình thương yêu.

Mái tóc tung bay vì gió biển, nụ cười lấp lánh, các em học sinh mặc đồng phục trắng cách điệu theo áo lính hải quân, đứng hai bên đường vẫy chào chúng tôi. Nhìn em nào cũng tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và cười nói liên hồi. 

Long-form: Lớp học đặc biệt ở Trường Sa ảnh 3

Người lạ hỏi chuyện, đám trẻ tỏ ra rất dạn dĩ, lanh lợi, nhanh nhảu trả lời.  Nguyễn Trà My, học lớp 5, trường Tiểu học thị trấn Trường Sa nói với giọng líu lo: “Thường lúc nào có khách vào đảo thăm, trường sẽ nghỉ học để tiếp đón ạ. Lúc vắng khách thì các con học bù. Chúng con thích có mọi người từ đất liền ra thăm…”. Gương mặt sáng, nước da ngăm đen, nhưng nụ cười trẻ thơ lúc nào cũng rạng rỡ có lẽ đã trở thành đặc trưng của quân, dân và cả thầy trò của huyện đảo Trường Sa. 

Chiều lộng gió, chúng tôi tới thăm trường thị trấn Trường Sa. Ngôi trường nhỏ nhưng khá khang trang, sạch sẽ, tiếng trẻ em ê a học bài. Ngoài sân các em nhỏ lứa tuổi mầm non đang thoải mái nô đùa vui chơi với cầu trượt, nhà banh, bập bênh và đu quay. Tiếng nói cười líu lo vang cả một góc đảo làm không khí vừa thanh bình, vừa rạo rực, như ở đất liền. Thầy giáo trẻ Phạm Trung Việt cười nói: Toàn thị trấn có 13 em học sinh, trong đó có 9 em từ lớp 1 – lớp 5. Để phân bổ chương trình học hợp lý, các em được ghép vào học trong 2 phòng học. Các học sinh ngồi quay lưng vào với nhau, hướng lên bảng. Trong khi giáo viên giảng bài cho học sinh lớp 5 thì học sinh lớp 3 ôn bài, học sinh lớp 2 làm bài tập. Tuy khó khăn nhưng cả thầy và trò đều đã quen nếp học ấy, trường ít học sinh nên không ảnh hưởng đến chất lượng học tập của mỗi lớp.

Long-form: Lớp học đặc biệt ở Trường Sa ảnh 4

Thầy Việt còn trẻ, mới ngoài 30 nhưng đã có kinh nghiệm 5 năm gắn bó với công tác dạy học trên đảo Trường Sa. Trước khi ra đảo, thầy đã từng dạy học tại Trường TH Vạn Thành 2, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. “Lúc biết Trường Sa đang có nhu cầu tuyển giáo viên, mình nộp đơn dự tuyển ngay. Đó là ước mơ lâu lắm rồi, mong muốn của mình đến với Trường Sa chỉ đơn giản góp sức giúp các em học sinh ở đây có kiến thức, góp phần xây dựng Tổ quốc và hải đảo” – thầy Việt nói. 

Rồi thầy kể, ngày đầu tiên đặt chân đến đảo Trường Sa, bỡ ngỡ lắm. “Tôi bất ngờ lắm vì trong tâm trí đinh ninh rằng Trường Sa sẽ rất thiếu thốn khó khăn về cơ sở vật chất, chuẩn bị sẵn tinh thần chịu kham khổ, nhưng khi ra đây mới thấy các điều kiện cho việc giảng dạy và sinh sống ở trên đảo khá thuận lợi. Học sinh mến thầy, lại giàu tình cảm, bảo gì nghe ấy, hiền hòa như mảnh đất nơi đây”.

Nói là khang trang, thuận lợi, nhưng việc dạy học của thầy Việt đôi khi cũng dở khóc dở cười mà giáo viên đất liền khó hình dung nổi: “Có đợt nắng nóng như đổ lửa, không điện, không quạt, lớp quá nóng khiến thầy trò phải khiêng bàn ghế ra sân ngồi học, tranh thủ gió trời. Tối đến mất điện, tôi phải cặm cụi chấm bài cho học sinh bằng đèn dầu” – thầy Việt nhớ lại. 

Khó khăn là vậy, nhưng thầy trò ở trường lúc nào cũng cố gắng vượt qua, quyết tâm học tập, giảng dạy theo đúng giáo trình phổ thông. Là một trong 2 thầy giáo “kiêm nhiệm” kèm cặp, dạy dỗ các em học sinh từ lớp mầm non đến lớp 5, thầy Đặng Minh Hiệp, quê ở Diên Khánh (Khánh Hòa), sinh năm 1991 cũng đã gắn bó với đảo được 5 năm. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Khánh Hòa, thầy Hiệp tình nguyện đăng ký ra đảo Trường Sa để dạy học với tất cả lòng nhiệt tình, yêu nghề của người giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết.

Long-form: Lớp học đặc biệt ở Trường Sa ảnh 5

Thầy Hiệp tâm sự: “Niềm vui lớn nhất của mình là may mắn được lựa chọn ra Trường Sa dạy học. Đó không chỉ là niềm hãnh diện của bản thân mà còn là niềm vui của gia đình khi có một người con được giảng dạy công tác ở nơi đầu sóng ngọn gió. Chính bởi niềm tự hào ấy, mà chúng tôi – thầy giáo ở Trường Sa luôn cố gắng làm hết mình để giảng dạy cho các em. Không chỉ giảng dạy lúc lên lớp, ngay cả khi về nhà tôi còn làm gia sư kèm thêm để các em thêm tiến bộ”.

Gần 5 năm đứng lớp ở đảo, thầy Hiệp đã thuộc lòng tính cách từng đứa học trò. Thầy say sưa chỉ cho chúng tôi, trò này có trí nhớ tốt ra sao, trò kia có giọng hát mê ly như thế nào... Những kỷ niệm của thầy với lớp, với trường, với trò nhiều vô kể. Đang lan man kể chuyện, bỗng giọng thầy nghẹn lại: “Tới đây (tháng 7/2018) tôi cùng với mấy giáo viên đồng nghiệp hết thời gian công tác trở về đất liền. Chưa đi đã thấy nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các em học sinh rồi”. 

Em Lê Thị Khánh Linh, học sinh lớp 3 trông thấy thầy giáo nghẹn ngào cũng chực rơm rớm: Hai thầy như người thân trong nhà con vậy, lúc nào cũng chỉ bảo con học hành, răn dạy khi con làm sai. Con thích học nhất là môn Toán, thích được các thầy dạy con múa hát, làm thủ công nữa…”.

Long-form: Lớp học đặc biệt ở Trường Sa ảnh 6

Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc ấy, những lớp học không đơn giản chỉ là nơi truyền dạy những kiến thức. Nơi đây các em còn được thầy cô, bố mẹ, cả những cán bộ chiến sỹ truyền dạy tinh thần bám đảo, giữ biển và rèn luyện tinh thần thép cùng bộ đội Hải quân canh giữ biển đảo Tổ quốc. 

Giữa trưa hè, những thanh âm trong trẻo trong từng vần thơ đầy xúc động như càng chứng minh về tình yêu, sự gắn bó của những mầm non tương lai của đất nước với biển đảo quê hương: “Quê em ở Trường Sa/Những đảo chìm đảo nổi/Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la…”. 

Long-form: Lớp học đặc biệt ở Trường Sa ảnh 7

Câu thơ đó gắn với từng thế hệ học sinh ở Trường Sa, năm nào cũng vang lên đều đặn. Có lẽ niềm tự hào từ quê đã dâng lên thành niềm tự hào về chủ quyền biển đảo của dân tộc. Từ niềm tin, sự nỗ lực, nhiều học sinh ở Trường Sa đã tự hạ quyết tâm học thật giỏi để làm thầy giáo, bác sĩ… để sau này được quay lại Trường Sa cống hiến, xây dựng biển đảo. 

Cách Trường Sa lớn khoảng 200 hải lý, ở đảo Song Tử Tây cũng có một lớp học bé xinh và đáng yêu như vậy. Liên tục, 5 năm nay, hình ảnh các thầy Lê Xuân Quyết (sinh năm 1990), Lê Văn Mạnh (sinh năm 1989) ngày ngày đứng trên bục giảng đã trở nên thân thuộc với những người sinh sống nơi đây. Ngoài những bài giảng về Toán, Văn…, những câu chuyện về lòng quả cảm của hải quân, tinh thần bất khuất kiên cường của ông cha các em ở Trường Sa vẫn được nhắc đến đều đặn như một môn học ngoại khóa không thể thiếu.

Long-form: Lớp học đặc biệt ở Trường Sa ảnh 8

Thầy Quyết kể: “Những ngày đầu công tác ở đảo chẳng dễ dàng chút nào, đảo Song Tử Tây lúc đó chưa có trường riêng nên lớp học phải mượn tạm nhà bộ đội. Nhiều đêm không có điện, thầy phải soạn giáo án và chấm bài cho học sinh dưới ánh nến. Năm 2015, trường Tiểu học đảo Song Tử Tây được xây mới, việc dạy và học của thầy trò mới bớt khó khăn. Nhưng chẳng vì thế mà việc học của học sinh bị chậm trễ, cả thầy và trò vẫn miệt mài lên lớp, đèn sách, từ lớp này lên lớp khác…”.

Khi được hỏi, các thầy giáo ở đảo không nói về những khó khăn, thiếu thốn của mình, mà chỉ trăn trở cho học sinh. “Sách vở, tư liệu, bút viết ở đảo được đất liền hỗ trợ đầy đủ. Trường cần gì đều được Phòng Giáo dục - Đào tạo của huyện Trường Sa và Sở Giáo dục - Đào tạo hỗ trợ. Chỉ là, đôi khi quá trình vận chuyển khó khăn nên nhiều kiến thức mới HS ở đây ít được cập nhật kịp thời” - thầy Việt chia sẻ.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng theo chị Nguyễn Bình Phương Ái - phụ huynh của 2 con nhỏ đang học ở Trường Sa, chị luôn yên tâm nhìn con cái trưởng thành và có ý thức học tập tốt. “Các con được thầy giáo tận tụy quan tâm, dạy dỗ, các thầy không chỉ bồi dưỡng kiến thức mà còn dạy con kỹ năng sống, trưởng thành trong suy nghĩ… Sau này các con sẽ trở thành những“chiến sĩ” nhỏ có trình độ, học vấn, góp phần xây dựng hải đảo thêm khang trang, giàu đẹp”. 

"Đến nay, ngành đã hình thành 3 trường học trong quần đảo Trường Sa gồm: Sinh Tồn, Song Tử Tây, thị trấn Trường Sa. 100% học sinh ở đây được dạy và học đảm bảo đúng chương trình, thời lượng theo quy định của bộ. Tuy nhiên, vì điều kiện xa xôi, học sinh ít, các lớp học ở đây được tổ chức thành các lớp ghép. Đối với các giáo viên, sau thời gian thực hiện đủ nhiệm kỳ sẽ được về đất liền, được ưu tiên chọn nhiệm sở và được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định".
                     
                               - Ông Trần Quang Mẫn - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa -

TIN LIÊN QUAN
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.