Ông Đinh Mạnh Thắng từng là người nắm giữ chức vụ cao nhất tại CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (PVSD, mã cổ phiếu SDP) ngay từ khi thành lập. Trước đó, ông Thắng từng có thời gian dài công tác tại các đơn vị thuộc Sông Đà.
Từ tháng 1/2004, ông Đinh Mạnh Thắng giữ chức Giám đốc công ty này, sau đó đến tháng 5/2006, ông được bầu làm Chủ tịch PVSD. Đến ngày 15/4/2017, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà, ông Đinh Mạnh Thắng có nguyện vọng thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT để trở thành thành viên HĐQT vì lý do cá nhân.
PVSD (tiền thân là Công ty Cổ phần Thương mại và Vận tải Sông Đà) là cái bắt tay giữa tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tập đoàn Sông Đà, được thành lập năm 2003 với số vốn ban đầu chỉ 15 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, PVSD hiện có vốn điều lệ hơn 111 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của PVSD là xây lắp các công trình xây dựng công nghiệp, dân dụng. Ngoài ra, giống như hàng loạt công ty con khác trong hệ thống công ty của tập đoàn PVN, PVSD cũng lấn sân sang mảng kinh doanh bất động sản với các dự án như là chủ đầu tư cấp II dự án Nam An Khánh (Hà Nội), dự án khu dân cư Vĩnh Thanh (Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Về tình hình kinh doanh của PVSD thời gian qua, công ty đang trong giai đoạn khó khăn trầm trọng. Nguyên nhân được ban lãnh đạo thừa nhận là do sự ngưng trệ tại hai công trình chính: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.
Tính đến hết tháng 9/2017, công ty do em trai ông Đinh La Thăng từng làm Chủ tịch HĐQT vẫn còn gánh khoản lỗ lũy kế gần 2 tỷ đồng. Doanh thu, lợi nhuận các năm gần đây đều không đạt kế hoạch đề ra.
Vì sao em trai ông Đinh La Thăng lại dính líu đến Trịnh Xuân Thanh?
Theo cơ quan điều tra, đầu năm 2010, Lê Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5) tìm cách mua bằng được dự án Nam Đàn Plaza để đền bù căn hộ cho khách hàng bị ông này chiếm đoạt tài sản thông qua việc huy động vốn đầu tư dự án Thanh Hà Cienco5.
Để thuyết phục PVP Land - đơn vị nắm giữ 50,5% vốn dự án Nam Đàn Plaza - thoái vốn, Bình đã nhờ người quen môi giới. Tháng 3/2010, Lê Hòa Bình cùng đại diện 5 cổ đông góp vốn vào Nam Đàn Plaza ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng cổ phần dự án với giá tương đương 52 triệu đồng/m2 đất.
Lúc đó, Thái Kiều Hương, Phó tổng giám đốc Công ty Vietsan, đã nhờ ông Đinh Mạnh Thắng (em trai Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Đinh La Thăng) kết nối cho gặp Trịnh Xuân Thanh tại một nhà hàng ở Hà Nội.
Sau đó, ông Thanh đồng ý cho PVP Land thoái vốn. Theo bàn bạc, cổ phần của PVP Land tại dự án Nam Đàn Plaza được chuyển nhượng thông qua trung gian với giá thấp hơn thực tế (chỉ 34 triệu đồng/m2). Trịnh Xuân Thanh ký vào nghị quyết HĐQT đồng ý việc thoái vốn có giá bán thấp hơn mức chung để cùng đồng phạm chiếm đoạt tiền chênh lệch khoảng 49 tỷ.
Ngày 29/3/2010, Thái Kiều Hương trả công cho Đinh Mạnh Thắng 5 tỷ đồng tiền công môi giới, tác động Trịnh Xuân Thanh chấp nhận việc bán lại cổ phần. Khoảng một tuần sau, Hương nhờ ông Thắng chuyển vali chứa 14 tỷ đồng tiền chênh lệch giá cho Trịnh Xuân Thanh. Không có nhà, Đinh Mạnh Thắng đã hướng dẫn Hương chuyển tiền cho vợ. Và khoản tiền trên Thắng đã nhờ người đưa đến tay Trịnh Xuân Thanh.
Khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án Lê Hòa Bình lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ông Thắng đã trả lại cho Hương 5 tỷ đồng. Lúc này, Trịnh Xuân Thanh cũng trả lại vali tiền để Thắng đưa cho Hương.
Theo cơ quan điều tra, việc Thanh hoàn trả 14 tỷ diễn ra sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Do tội phạm đã hoàn thành nên PVP Land vẫn bị chiếm đoạt số tiền này. Hành vi của Đinh Mạnh Thắng phạm tội Tham ô tài sản với vai trò giúp sức.
Ngày 15/3 năm ngoái, trong quá trình xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land liên quan đến Lê Hòa Bình, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh về hành vi Tham ô tài sản
Đầu tháng 12/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt ông Đinh Mạnh Thắng (55 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà) về cùng tội danh.
Theo Vietnamnet