Mặc cho những cuộc khủng hoảng liên tiếp ập đến Liên minh châu Âu (EU) trong vài năm gần đây như nợ công Hy Lạp, Anh bỏ phiếu rời khỏi khối (Brexit) hay vấn đề di dân, các lãnh đạo của khối này hẳn không thể ngờ một ngày nước Mỹ cũng trở thành nỗi lo của EU. Bao phủ cuộc gặp ngày 3/2 của lãnh đạo các nước thành viên EU tại Malta sẽ là một chủ đề bất ngờ: nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Hôm 30/1 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã gửi thư đến lãnh đạo 27 nước thành viên EU (trừ Anh) cảnh báo rằng ông Trump là một mối đe dọa cho sự ổn định cho châu Âu. Thậm chí, ông Tusk so sánh thách thức từ Trump đối với EU là ngang hàng với Nga, Trung Quốc.
"Cụ thể, những thay đổi ở Mỹ đang đặt EU vào một tình thế khó khăn, chính phủ Mỹ có vẻ đang xét lại chính sách ngoại giao suốt 70 năm qua của họ", lá thư của chủ tịch Hội đồng châu Âu viết.
Chính sách ngoại giao gây bối rối
New York Times nhận định EU, cũng như phần còn lại của thế giới, đang vất vả cắt nghĩa các tuyên bố và hành động gần đây của ông Trump. Hầu như mỗi ngày, tân tổng thống Mỹ đều gây chiến với một quốc gia hoặc cộng đồng mới, dù trước đó họ là đồng minh thân cận hoặc đối thủ của Washington.
Khi ông Trump đắc cử tổng thống, nhiều lãnh đạo EU đã mong ông sẽ hành xử và phát ngôn cẩn trọng, bớt hung hăng hơn thời còn là một ứng viên. Tuy nhiên, hy vọng đó tan tành sau 2 tuần ông Trump làm tổng thống. Thay vào đó, EU đang bối rối để thích ứng với một nước Mỹ mới dưới thời Trump.
Việc tân tổng thống Mỹ là người chống toàn cầu hóa hay phản đối người tị nạn là điều đã được báo trước từ chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, không ai ngờ những cuộc khủng hoảng ngoại giao mà ông tạo nên sau khi lên nắm quyền: quát nạt thủ tướng Australia, hạ thấp Mexico, Đức, đấu khẩu với Iran và Trung Quốc,..
Tổng thống Trump luôn tin rằng dưới thời những người tiền nhiệm ông, nước Mỹ đang bị các quốc gia khác lợi dụng. "Gần như mọi quốc gia trên thế giới đều lợi dụng chúng ta", Trump lặp lại quan điểm này trong buổi Điểm tâm Cầu nguyện Quốc gia hôm 2/2.
Ông Trump cũng nổi tiếng là người xem thường các thể chế đa phương như EU. Ngược lại, ông luôn khen ngợi những người như Nigel Farage, cựu lãnh đạo đảng Độc lập Anh và là một người vận động cho Brexit, các nhà dân túy như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Turnbull hôm 28/1. Ảnh: Getty. |
Khi EU không còn Mỹ đứng sau
Một số lãnh đạo châu Âu đang cảnh báo ông Trump sẽ là thách thức có thể hạ thấp khối hợp tác và an ninh là EU, cũng như các giá trị quan trọng của khối như nền dân chủ.
Stefano Stefanini, một cựu đại sứ Italy đang làm việc tại Brussels (Bỉ), nói rằng chủ tịch Hội đồng châu Âu đang có xu hướng nghiêm trọng hóa vấn đề. Theo ông Stefanini, ông Tusk, vốn là cựu thủ tướng Ba Lan, mang trong mình sự đề phòng sẵn có của một người Ba Lan đối Nga. Trong khi đó, ông Trump lại tỏ ra có thiện cảm với Moscow và Tổng thống Putin.
Tuy nhiên, Stefanini cũng cho rằng chủ tịch Hội đồng châu Âu có lý. Theo ông, những việc ông Tusk đang làm là phản ứng lại một "châu Âu tự mãn vẫn dửng dưng trước Brexit, Trump, chủ nghĩa dân túy thiên tả như thể mọi việc vẫn bình thường".
Mark Leonard, Chủ tịch Hội đồng châu Âu về Quan hệ Quốc tế, cho rằng lời cảnh báo về Trump là phản ứng thực tế trước mối nguy từ chính quyền mới ở Washington. Theo ông Leonard, quan điểm bảo hộ không che giấu lẫn sự coi thường EU của tổng thống Mỹ là vấn đề nghiêm trọng và nguy hiểm.
"Những người châu Âu xem Trump là mối nguy lớn nhất cho trật tự thế giới và những lý tưởng của châu Âu về cách tổ chức thế giới", ông Leonard nói.
Anthony L. Gardner, cựu đại sứ Mỹ tại EU dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, cũng nói rằng ông Trump đang nhận được lời khuyên rằng EU là một khối vô dụng mặc cho những thách thức mà thế giới phải đối mặt.
Ngoài ra, ông Gardner cũng cho rằng bức thư của ông Tusk một phần là nhằm cảnh báo các nước thành viên EU không vội chạy theo Mỹ để tìm kiếm những thỏa thuận thương mại riêng rẽ. Anh, nước sắp rời khối, đã nhanh chóng "giành phần" bằng chuyến thăm Mỹ vừa qua của Thủ tướng Theresa May.
Chủ tịch châu Âu cũng hy vọng rằng mối nguy từ Trump có thể khiến các nước thành viên vốn đang chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề cảm thấy tinh thần đoàn kết để chống chọi với Mỹ.
Về mặt cá nhân, chính quyền ông Trump đã công khai chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel và chính sách của bà đối với vấn đề nhập cư, tị nạn. Trong khi đó, nước Đức xưa nay được xem là "hòn đá tảng" của EU, quốc gia lớn, thịnh vượng và có ảnh hưởng nhất khối. Bản thân bà Merkel được xem là nhà lãnh đạo thực dụng và tận tụy của EU.
Leslie Vinjamuri, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu Đông phương và châu Phi London, cho rằng mối quan hệ với Mỹ là rất quan trọng đối với EU. Theo bà, thái độ khước từ các cuộc gặp gỡ với EU, thậm chí là NATO, của ông Trump rất đáng lo ngại.
"Chiến lược của Mỹ đối với châu Âu xưa nay luôn rất quan trọng. Cho đến nay, chiến lược đó hầu hết nhằm hỗ trợ châu Âu".
"Việc ứng phó với Nga và Trung Quốc đột nhiên trở nên khác hẳn nếu không còn Mỹ ở sau lưng", bà Vinjamuri nhận định.