Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đang được hối thúc đẩy nhanh tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân khối này trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang đương đầu với các đợt bùng phát mới cùng sự xuất hiện biến thể mới của Covid-19 nguy hiểm hơn.
Giới chức Ủy ban Châu Âu khẳng định, sau khi đảm bảo có đủ nguồn cung về vaccine ngừa Covid-19, hiện giờ là lúc “cần đẩy nhanh việc phân phối cũng như triển khai tiêm ngừa”.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas nhấn mạnh: “Chúng tôi đề xuất đến trước tháng 3 năm nay, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu cần triển khai tiêm chủng cho tối thiểu 80% các nhân viên y tế và 80% người trên 80 tuổi. Chúng tôi cũng đề xuất rằng vào mùa hè này, các quốc gia thành viên sẽ tiến hành tiêm chủng cho tối thiểu 70% dân số trưởng thành.”
Ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo châu Âu thời điểm này là tăng tốc việc tiêm vaccine phòng Covid-19. Vì vậy, chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh trực tuyến bàn về Covid-19 của Liên minh châu Âu sẽ tập trung vào việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên quy mô lớn và huy động mọi nguồn lực sẵn có để hạn chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch.
Các lãnh đạo châu Âu cũng sẽ trao đổi về những giải pháp các nước đã thực hiện, thảo luận phương hướng triển khai chống dịch trong những tuần tới. Về vấn đề vaccine ngừa Covid-19, Ủy ban châu Âu sẽ xem xét tình hình triển khai tiêm chủng, cách thức đảm bảo tăng năng lực sản xuất trong thời gian tới cũng như tiếp cận công bằng với vaccine ngừa Covid-19. Hiện tại, Ủy ban châu Âu đang có kế hoạch thiết lập một cơ chế cho phép chia sẻ vắc xin Covid-19 cho các quốc gia láng giềng nghèo hơn và châu Phi trước khi sáng kiến COVAX do WHO khởi xướng đi vào hoạt động.
Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides nhấn mạnh: “Thông qua cơ chế chia sẻ vaccine của EU, chúng tôi sẽ giúp các nhóm cần được ưu tiên ở Tây Balkan và các nước lân cận, cũng như các nhân viên y tế ở các quốc gia có thu nhập thấp, đặc biệt là ở châu Phi hay những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất sớm được tiếp cận với vaccine”.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng đang được cho là sẽ tranh luận về cách tiếp cận chung đối với chứng nhận tiêm chủng trên toàn khối. Vấn đề hợp tác với các nước thứ ba về vaccine, những nước lân cận trong khu vực và xa hơn nữa, sẽ được các lãnh đạo xem xét tại hội nghị thượng đỉnh bàn về Covid-19.
Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 được triển khai từ ngày 27/12 trên toàn Liên minh châu Âu. Dù đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vốn được xem như “tấm lá chắn phòng bệnh” cho người dân toàn khối, song giới lãnh đạo châu Âu vẫn lưu ý rằng, sự xuất hiện của vaccine không có nghĩa là sự kết thúc của đại dịch, vì vậy kêu gọi những nỗ lực bền vững tiếp tục được thực hiện để chống lại sự lây lan của loại virus chết người này./.