Ủy ban châu Âu (EC) cho biết theo đề xuất trên, các ngân hàng vừa và nhỏ gặp khó khăn sẽ được khuyến khích sử dụng các nguồn tài trợ từ ngành tài chính thay vì sử dụng ngân sách công. EU đang phải chịu sức ép hành động nhanh chóng sau vụ phá sản của 3 ngân hàng Mỹ hồi tháng 3 và vụ sáp nhập ngân hàng Credit Suisse vào ngân hàng UBS của Thụy Sĩ.
Phát biểu tại họp báo ở Strasbourg (Pháp), Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho rằng các vụ phá sản gần đây của một số ngân hàng Mỹ và Thụy Sĩ, dẫn tới căng thẳng trong ngành ngân hàng thế giới là lời nhắc nhở tại sao châu Âu cần hệ thống mạnh để hỗ trợ các ngân hàng ở mọi quy mô khi họ gặp khó khăn.
Mục tiêu của EU là chấm dứt việc các nước thành viên sử dụng tiền thuế của người dân để hỗ trợ các ngân hàng quy mô trung bình, buộc những ngân hàng này phải xây dựng nguồn dự phòng riêng. Trước đó, các ngân hàng quy mô trung bình đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình giải cứu, đồng nghĩa rằng những người gửi tiền sẽ chịu tổn thất khi lượng tiền gửi vượt mức bảo đảm của các chương trình bảo hiểm. Đề xuất mới quy định các ngân hàng có thể sử dụng nguồn tài chính từ các kế hoạch tiền gửi quốc gia nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết để khởi động các chương trình giải cứu, giúp giảm nguy cơ “hiệu ứng đám đông”, gây ra các cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng. Đề xuất cần phải được Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU thông qua, song có thể gặp phải sự phản đối gay gắt từ một số nước. Đức lo ngại về tác động của kế hoạch trên đối với chương trình bảo vệ các ngân hàng của riêng nước này. Ngoài ra, Đức và các nước EU khác lo ngại theo kế hoạch này, họ sẽ buộc phải chi tiền cho các ngân hàng phá sản của các nước thành viên.
Các biện pháp trên nằm trong nỗ lực của EU nhằm hoàn tất một liên minh ngân hàng đã bị trì hoãn nhiều năm kể từ khi thành lập năm 2014. EU vẫn đang bất đồng về chương trình bảo hiểm tiền gửi quy mô lớn khi Đức, nền kinh tế lớn nhất khối, phản đối chương trình này.
EU đã tiến hành cải tổ triệt để việc giám sát ngành ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong các cuộc khủng hoảng này, hàng tỷ euro của người đóng thuế đã được chi để giải cứu các ngân hàng.