Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 25/3 cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang “mệt mỏi” với các lệnh trừng phạt và “không muốn” áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva. Các biện pháp trừng phạt do ông Morawiecki đề xuất có thể sẽ bị một số thành viên của khối phản đối.
Phát biểu với đài phát thanh RMF của Ba Lan, Thủ tướng Morawiecki nói rằng chính phủ của ông liên tục báo cáo lại cho Brussels về “các lỗ hổng và sơ hở mà Nga sử dụng để lách các lệnh trừng phạt”, đồng thời “dẫn dắt” khối về mục tiêu của mỗi gói trừng phạt tiếp theo.
Trong khi vấn đề triển khai các biện pháp trừng phạt chống Nga tiếp theo sẽ trở lại chương trình nghị sự của EU “trong những tuần tới”, ông Morawiecki thừa nhận rằng “hiện tại EU có ít sự sẵn sàng và mong muốn đối với các biện pháp trừng phạt thêm nữa”.
EU đã áp đặt 10 vòng trừng phạt kinh tế đối với Nga kể từ khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Các biện pháp trừng phạt này đã cắt đứt khối này khỏi dầu khí của Nga, đưa các quan chức Nga và gia đình của họ vào danh sách đen, đồng thời cấm buôn bán hầu hết hàng hóa với Nga.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Nga vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn Đức, vốn là cường quốc kinh tế đầu tàu của EU. Trong khi đó, châu Âu đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng năng lượng lịch sử và vật lộn với lạm phát kỷ lục. Tại Ba Lan, tỷ lệ lạm phát đạt 18,4% trong tháng 2, mức cao nhất kể từ năm 1996.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự đồng thuận rằng chính sách trừng phạt đã thất bại, quan chức phụ trách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell hồi đầu tháng này đã tuyên bố rằng “không còn nhiều việc phải làm từ quan điểm trừng phạt”. Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan Morawiecki muốn khối này thúc đẩy nhiều biện pháp trừng phạt hơn, ông nói với RMF rằng gói trừng phạt thứ 11 nên bao gồm các hạn chế đối với kim cương của Nga và Rosatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân của nước này.
Tuy vậy, yêu cầu thứ hai có thể sẽ bị Hungary chặn lại, bởi quốc gia này phụ thuộc vào uranium của Nga để cung cấp năng lượng cho nhà máy hạt nhân duy nhất của mình và hiện đang trong quá trình xây dựng hai lò phản ứng mới với Rosatom tại cơ sở này. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết vào tháng 1 rằng ông sẽ “không để năng lượng hạt nhân bị đưa vào phạm vi trừng phạt”.
Estonia, Latvia và Litva đều ủng hộ lệnh trừng phạt đối với Rosatom. Không rõ liệu Phần Lan và Bulgaria - cả hai đều cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng của họ bằng nhiên liệu hạt nhân của Nga - có ủng hộ biện pháp như vậy hay không.
Liên quan đến các lệnh trừng phạt, ngày 25/3, tờ Telegraph cho biết EU có thể đưa ra các hạn chế thương mại đối với một số quốc gia Trung Á vì cho rằng những nước này hỗ trợ giúp Nga tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Theo đó, các quan chức ở Brussels đã phát hiện ra sự gia tăng tới 80% về kim ngạch hàng tiêu dùng giữa các nước thành viên EU và các nước Trung Á. Sự gia tăng này được cho là có liên quan đến việc xuất khẩu hàng hóa của EU có chứa cái gọi là công nghệ “lưỡng dụng”, gồm cả ứng dụng quân sự và dân sự. Các mặt hàng thuộc loại này, bao gồm máy giặt, ô tô cũ và máy ảnh, nằm trong số những mặt hàng EU cấm xuất khẩu sang Nga.
Khối này tuyên bố sẽ hạn chế quyền tiếp cận thị trường EU đối với các quốc gia châu Á được coi là đồng minh truyền thống của Nga nếu tìm thấy bằng chứng cho thấy hàng hóa đang được tái xuất khẩu sang quốc gia bị trừng phạt.
Đầu tuần này, mang tin Eurasianet cho hay chính phủ Kazakhstan đang lên kế hoạch bắt đầu giám sát hàng hóa đi qua biên giới của mình để chứng minh sự tuân thủ các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập nền kinh tế Nga. Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ sẽ giới thiệu một hệ thống trực tuyến để theo dõi tất cả hàng hóa vào và ra khỏi đất nước bắt đầu từ ngày 1/4. Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và UAE cũng đang bị các quốc gia G7 giám sát vì có thể hỗ trợ Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây.