Các thỏa thuận, từ năm 2010, cung cấp quyền truy cập một số dữ liệu người dùng cho Huawei, một công ty thiết bị viễn thông đã bị tình báo Mỹ cảnh báo là mối đe dọa an ninh quốc gia, cùng với Lenovo, Oppo và TCL.
Bốn thỏa thuận hợp tác vẫn còn có hiệu lực, nhưng các quan chức Facebook cho biết sẽ hủy bỏ thỏa thuận với Huawei vào cuối tuần này.
Facebook đã cấp quyền truy cập cho các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc cùng với các nhà sản xuất khác - bao gồm Amazon, Apple, BlackBerry và Samsung.
Các thỏa thuận này đã cho Facebook một chỗ đứng sớm trong thị trường điện thoại di động bắt đầu từ năm 2007, trước khi các ứng dụng Facebook hoạt động độc lập tốt trên điện thoại và cho phép các nhà sản xuất thiết bị cung cấp một số tính năng của Facebook như sổ địa chỉ, nút “Like” và cập nhật trạng thái.
Các quan chức của Facebook cho biết các thỏa thuận với các công ty Trung Quốc cho phép họ quyền truy cập, có thể lấy thông tin chi tiết về cả người dùng thiết bị và tất cả bạn bè của họ - bao gồm công việc, học vấn, các mối quan hệ và theo dõi lượt "Like".
Huawei đã sử dụng quyền truy cập của riêng mình để cung cấp ứng dụng “điện thoại xã hội” cho phép người dùng xem tin nhắn và các tài khoản mạng xã hội khác ở cùng một nơi, theo các quan chức Facebook.
Thượng nghị sĩ Mark Warner của bang Virginia chỉ ra rằng mối lo ngại về công ty Huawei không phải là mới và trích dẫn một báo cáo của Quốc hội năm 2012 về “mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền Trung Quốc và các nhà sản xuất thiết bị như Huawei”.
"Tôi mong muốn tìm hiểu thêm về cách Facebook đảm bảo rằng thông tin về người dùng của họ không bị gửi đến các máy chủ của Trung Quốc", ông Warner, người đứng đầu của đảng Dân chủ tại Ủy ban Tình báo của Thượng viện cho biết.
“Tất cả những thỏa thuận của Facebook với Huawei, Lenovo, Oppo và TCL đều được kiểm soát ngay từ ban đầu và Facebook đã chấp nhận tất cả mọi thứ đã được xây dựng từ trước đó”, ông Francisco Varela, Phó Chủ tịch Facebook cho biết.
“Với sự quan tâm của Quốc hội, chúng tôi muốn làm rõ rằng tất cả thông tin từ những thỏa thuận này với Huawei đã được lưu trữ trên thiết bị chứ không phải trên các máy chủ của Huawei”.
Facebook đã bị cấm tại Trung Quốc kể từ năm 2009, trong những năm gần đây công ty này đã lặng lẽ tìm cách thiết lập thị trường tại đất nước tỷ dân này.
Huawei, một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, là niềm tự hào của Trung Quốc và là công ty tiên phong trong nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này ra thế giới. Công ty đã nhận được hàng tỷ đô la tín dụng từ các ngân hàng chính sách thuộc của Trung Quốc, giúp thúc đẩy việc mở rộng thị trường Châu Phi, Châu Âu và Nam Mỹ. Người sáng lập của Huawei, ông Nhậm Chính Phi, là một kỹ sư từng làm việc trong quân đội Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ từ lâu nghi ngờ công ty Huawei và các nhà lập pháp đã khuyến cáo các hãng vận tải Mỹ tránh mua thiết bị mạng của công ty Trung Quốc tạo ra. Vào tháng 1, tập đoàn viễn thông AT&T đã bỏ qua hợp đồng bán mẫu điện thoại Mate 10 của Huawei.
Các quan chức Mỹ đang điều tra liệu Huawei đã phá vỡ các biện pháp kiểm soát thương mại của Mỹ bằng cách giao dịch với Cuba, Iran, Sudan và Syria. Chính quyền Trump đã nhắm tới hai hãng công nghệ của Trung Quốc là Huawei và ZTE gần đây, tháng Tư vừa qua Ủy ban Truyền thông Liên bang đã lên kế hoạch ngăn chặn các công ty viễn thông trợ cấp liên bang từ việc sử dụng các nhà cung cấp được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Facebook đã không ký kết thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với ZTE, các quan chức của công ty cho biết.
Theo NYTimes