Facebook đang cho phép người dùng thu lợi từ việc lan truyền các thông tin sai lệch gây nguy hiểm về đại dịch và vaccine, bao gồm cả việc triển khai các công cụ huy động tiền trên các trang có nội dung do chính những người kiểm tra dữ liệu của Facebook gắn cờ cảnh báo.
Một cuộc điều tra của Cục Báo chí Điều tra đã phát hiện ra 430 trang - với 45 triệu người theo dõi, sử dụng các công cụ của Facebook, bao gồm các “cửa hàng” ảo và lượt đăng ký của người dùng, để phát tán thông tin sai lệch về COVID-19 hoặc vaccine.
Các phát hiện được đưa ra bất chấp lời hứa mà nền tảng này đưa ra vào năm ngoái rằng không người dùng hoặc công ty nào được trực tiếp thu lợi từ quan điểm chống vaccine.
Facebook nhìn chung không chia sẻ khoản thu nhập này, nhưng đôi khi nền tảng này vẫn thu về một khoản phí hưởng lợi về mặt tài chính từ việc người dùng tương tác với các nội dung độc hại này và kéo người dùng tiếp tục ở lại bảng tin, khiến họ hiển thị nhiều quảng cáo hơn.
Nghiên cứu của Cục Báo chí Điều tra nhiều khả năng chỉ phát hiện ra phần nổi về lượng lớn thông tin độc hại đang lan tràn trên Facebook liên quan đến đại dịch và vaccine.
Một phát ngôn viên của Facebook cho biết công ty đang điều tra và đã “xóa một số lượng nhỏ các trang vì vi phạm chính sách của nền tảng”.
"Tuy nhiên, nhiều bài đăng được xác định là thông tin sai lệch không vi phạm các quy tắc của Facebook. Cuộc điều tra ban đầu của chúng tôi cho thấy một số lượng lớn các trang bị gắn cờ không vi phạm chính sách thông tin sai lệch có hại của chúng tôi", người phát ngôn khẳng định.
Hơn 260 trong số các trang mà Cục Báo chí Điều tra xác định được đã đăng thông tin sai lệch về vaccine. Phần còn lại bao gồm thông tin sai lệch về đại dịch, hoặc kết hợp của cả hai, trong đó có 20 trang đã sở hữu dấu tích xanh của Facebook.
"Đối với Facebook, việc cung cấp các cách kiếm tiền có lẽ là một lộ trình để khuyến khích mọi người sử dụng nền tảng của công ty này thay vì các mạng xã hội khác", theo Tiến sĩ Claire Wardle, giám đốc điều hành của First Draft, một tổ chức phi lợi nhuận chống thông tin giả trực tuyến.
Tuy nhiên, Facebook cũng có thể thu lợi từ sự phổ biến của các thương hiệu và cá nhân phát tán thông tin sai lệch. Nền tảng này thường thu lại 5-30% lượng Sao được người hâm mộ mùa và quyên góp cho các tài khoản hoặc trang phát trực tuyến.
Vào tháng 11, Facebook, cùng với Google và Twitter, đã đồng ý một tuyên bố chung với chính phủ Vương quốc Anh cam kết “nguyên tắc không người dùng hoặc công ty nào được thu lợi trực tiếp từ thông tin sai lệch về vaccine COVID-19. Điều này loại bỏ động cơ khuyến khích loại nội dung này được quảng bá, sản xuất và lưu hành. "
Các phát hiện của Cục Báo chí Điều tra cho thấy Facebook đã vi phạm thỏa thuận này, cũng như không thực thi các chính sách của riêng mình.
Một phát ngôn viên của Facebook cho biết: “Các trang liên tục vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi, bao gồm cả những trang phát tán thông tin sai lệch về dịch bệnh và vaccine, vốn đều bị cấm kiếm tiền trên nền tảng của chúng tôi. Chúng tôi thực hiện các bước tích cực để loại bỏ thông tin sai lệch dẫn đến tổn hại tiềm tàng, bao gồm cả thông tin sai lệch về vaccine đã được phê duyệt.”
Facebook hiện đã loại bỏ 12 triệu mẩu thông tin sai lệch về dịch bệnh trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 và dán nhãn cảnh báo kiểm chứng sự thật trên 167 triệu mẩu nội dung khác.
Các tổ chức như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới và UNESCO cho biết vào tháng 9 rằng tin giả trực tuyến “tiếp tục làm suy yếu phản ứng toàn cầu và gây nguy hiểm cho các biện pháp kiểm soát đại dịch”.
Tiến sĩ Claire Wardle tin rằng hệ thống kiếm tiền mà Facebook cung cấp có thể khuyến khích mọi người lan truyền các thông tin sai lệch.
“Nhiều người dùng đã bắt đầu tin vào những điều này, nhưng khi đã ở trong vòng tròn đó, bạn sẽ nhận ra có một cách để kiếm tiền, sau đó bạn nhận ra rằng bạn càng đạt được nhiều lượt truy cập thì bạn càng kiếm được nhiều tiền. Nó còn hơn cả ma túy", bà Wardle chỉ ra.