Một trong những điểm nhấn khá chú ý năm nay là nhiều địa phương quán triệt tổ chức khai giảng ngắn gọn, hướng tới học sinh, khuyến khích việc hạn chế sử dụng bóng bay và rác thải nhựa. Nhiều trường học ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị không kịp tổ chức ngày khai giảng do mưa lũ.
Khai giảng không xả rác cũng là một trong những nội dung được Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các trường trên địa bàn triển khai hoạt động đầu năm học 2019-2020.
Sở GD-ĐT Nghệ An yêu cầu các trường học không ghép phần báo cáo thành tích vào chương trình khai giảng năm học mới.
Giám đốc sở GD-ĐT Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận cho hay, khai giảng tất cả các trường trên địa bàn được thực hiện nhanh, gọn, không rườm rà
Các trường sẽ tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5/9, bắt đầu từ 7h15 và kết thúc 8h, đối với những trường mầm non và tiểu học có thể kết thúc sớm hơn.
Chương trình lễ khai giảng được diễn ra một cách đơn giản: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát quốc ca, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đọc thư của chủ tịch nước, phát biểu chào mừng năm học mới của hiệu trưởng ngắn gọn từ 3 đến 5 phút và cuối cùng là đánh trống khai trường.
Bên cạnh đó, lễ khai giảng cũng không thả bóng bay, lãnh đạo đến dự không phát biểu và đặc biệt sau buổi lễ các trường sẽ vào học bình trường.
Sở GD-ĐT TP.HCM cũng xác định "3 không" khi tổ chức lễ khai giảng với các yêu cầu: Không dùng băng lời bài hát Quốc ca, không báo cáo thành tích, không mời lãnh đạo phát biểu.
Khai giảng làm sao cho thiết thực, đúng ý nghĩa và mang lại niềm vui cho học sinh là điều mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhiều lần nêu ra, từ các dịp khai giảng những năm trước, tới phiên họp hội đồng giáo dục và nguồn nhân lực mới đây. Theo ông, trong lễ khai giảng, phần đông các trường hiện nay vẫn để trẻ em đứng lên chào người lớn; các trường vẫn để lãnh đạo ngồi hàng đầu trịnh trọng, còn những học trò nhỏ phải ngồi “đội nắng” ở bên dưới, chưa đúng như khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trong chuyến công tác ở Quan Sơn (Thanh Hoá) cuối tháng 8 đã hứa sẽ trả lại ý nghĩa cho ngày khai giảng. Đó là tính toán hợp nhất tựu trường với khai giảng, để chấm dứt tình trạng đi học trước rồi mới khai giảng sau.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2019-2020 cả nước có 5.517.000 trẻ mầm non, 17.055.000 học sinh bậc phổ thông và 1.518.986 sinh viên đại học.
Ở bậc giáo dục mầm non, có 932.000 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, 4.585.000 trẻ độ tuổi mẫu giáo.
Ở bậc giáo dục phổ thông, có 8.660.000 học sinh tiểu học, 5.550.000 học sinh THCS và 2.599.000 em ở bậc THPT.
Năm học 2019-2020, ngành giáo dục xác định tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GDĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
Trong đó các nhóm nhiệm vụ, giải pháp này, Bộ GD-ĐT tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát sắp xếp các trường Sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; Giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đổi mới tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.