Gặp pháo thủ số 1 lái tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập năm xưa

Đã 41 năm trôi qua nhưng những ký ức về ngày lái tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập vẫn còn mãi trong ký ức của pháo thủ số 1 xe tăng 390.
Gặp pháo thủ số 1 lái tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập năm xưa

Gặp ông Ngô Sỹ Nguyên – pháo thủ số 1 của xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 tại ngôi nhà nằm trên đường Kim Giang (Hoàng Mai, Hà Nội), dù đã ở tuổi ngoài 60 và rời quân ngũ từ lâu nhưng ông vẫn giữ cho mình tác phong của người lính Cụ Hồ.

Ông cho chúng tôi xem những bức ảnh đã được ông chuẩn bị từ trước. Những bức ảnh ghi dấu kỉ niệm ông cùng đồng đội 10 năm gắn bó với xe tăng 390, những bức ảnh là chứng nhân cho những thời khắc lịch sử trọng đại của đất nước khi cánh cổng dinh Độc Lập đổ xuống và quân ta tiến vào làm chủ nội các.

Thời điểm ấy, ông thuộc Đại đội tăng 4, Tiểu đoàn tăng 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2. Xe tăng 390 gồm có trung úy Vũ Đăng Toàn là chính trị viên đại đội; lái xe là trung sĩ Nguyễn Văn Tập; pháo thủ số 1 là trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên; phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2, thiếu úy Lê Văn Phượng (lên thay pháo thủ số 2 bị thương).

“Khi chúng tôi tiến vào Sài Gòn, dân rất vắng. Theo quan điểm trong chiến tranh thì “cửa sổ mở đấy có thể là địch chứ chưa nói là người ra đường”. Nhưng sau lễ treo cờ xong, đạn bắn rền trời chào mừng giải phóng thì nhiều đồng chí ôm nhau khóc và hô vang: “Hòa bình rồi, giải phóng đất nước rồi các đồng chí, các bạn ơi. Còn gì sung sướng bằng…!”. Tất cả đều vỡ oà niềm vui trong nước mắt.

Chưa tròn 24 tuổi nhưng tôi đã được chứng kiến sự sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền do Mỹ dày công xây dựng. Dưới sức mạnh của quân giải phóng, của quân binh chủng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, của toàn dân tộc ta đã đè bẹp chế độ bù nhìn tay sai lâu nay cản trở đường thống nhất của ta”, ông Nguyên tự hào kể lại.

Gặp pháo thủ số 1 lái tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập năm xưa ảnh 1

Ông Ngô Sỹ Nguyên

41 năm đã trôi qua, nhưng những năm tháng “nếm mật nằm gai” và giây phút lá cờ của quân giải phóng tung bay trên Dinh độc lập vào 11h30 ngày 30/4/1975 vẫn như sống mãi trong kí ức của người lính đã ở cái tuổi lục tuần ấy.

Năm 1978, xe tăng 390 cùng 4 người lính gồm có trung úy Vũ Đăng Toàn là chính trị viên đại đội; lái xe là trung sĩ Nguyễn Văn Tập; pháo thủ số 1 là trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên; phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2, thiếu úy Lê Văn Phượng tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và hành quân chủ yếu trên đất nước Campuchia. Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, họ lại về Bắc phục vụ 4 năm bảo vệ biên giới. Và cứ như thế, hết Nam lại Bắc, hết cuộc chiến này tới cuộc chiến khác, ông Ngô Sỹ Nguyên đã có 10 năm gắn bó với xe tăng 390.

Cuộc đời quân ngũ của người pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên cũng trải qua nhiều kỉ niệm, vui có, buồn có. Nhắc lại những kỉ niệm ấy, giọng nói ông chùng xuống.

Năm 1974, bố mất nhưng ông không được biết tin để về để tang; năm 1979, mẹ mất khi ông đang tham gia chiến tranh biên giới nên cũng chỉ biết giấu những giọt nước mắt trong những đêm muộn.

“Hai cái tang khi tôi đang ở hai đầu đất nước để làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước mà không về được. Nhưng với mỗi người cán bộ quân đội như tôi luôn đặt nhiệm vụ chung lên trên những tình cảm riêng tư”, ông Nguyên chia sẻ.

Và hôm nay, khi ngồi hàn huyên cùng người đồng đội Vũ Đăng Toàn, những giọt nước mắt của hai người lính ấy lại rơi trong sự ngậm ngùi.

Gặp pháo thủ số 1 lái tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập năm xưa ảnh 2

4 người lính trên chiếc xe tăng 390 huyền thoại

Trong suốt chừng 20 năm, con số 390 với chiến tích là xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh không được ai nhắc tới. Khi lịch sử đã ghi nhận chiến công của họ thì trên thực tế, những gì họ nhận được chỉ là những lời hỏi thăm của anh em, đồng đội mỗi dịp kỉ niệm ngày chiến thắng mà không có bất kì giấy tờ hay chế độ gì cho những người lính ấy.

“Người thiếu úy năm xưa là Lê Văn Phượng đã mất cách đây hơn 1 tháng vì căn bệnh tim khi vẫn chưa có cho mình bất kì danh hiệu gì.

Chúng tôi mất đi 1 người anh. Suốt mấy chục năm trong quân ngũ, chúng tôi sống cùng nhau, đi đâu hay vui buồn anh em cũng có nhau. Đã có lúc bị lịch sử lãng quên sau đó được khơi dạy và được mọi người biết tới, chúng tôi vui nhiều lắm.

Giờ sự trống trải đến với xe, thành viên chiến đấu khuyết đi 1 chỗ. Dẫu biết đó là quy luật “sinh lão bệnh tử”, nhưng với chúng tôi rất bất ngờ và thương xót”, ông Nguyên tâm sự.

Và tự trong sâu thẳm những người lính ấy, họ vẫn mong không chỉ lịch sử nhìn nhận chiến công của mình mà cả Nhà nước và rất nhiều người dân khác cũng sẽ ghi dấu chiến công oanh liệt này.

Nguyễn Huệ

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.