Theo nguồn tin đăng tải trên báo Thanh niên, chỉ trong 4 tháng, riêng xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã có 6 người mắc mới và tử vong do HIV. Cái tên “làng HIV” bỗng dưng cũng từ đây mà trở thành nỗi ám ảnh của ngôi làng vùng núi này.
Liên quan đến vụ việc nhiều người ở xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) bỗng dưng bị nhiễm HIV nhưng chưa rõ lây nhiễm từ đâu.
Petro Times thông tin, ngày 13/8, đoàn chuyên gia của Bộ Y tế do ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, dẫn đầu đã về đây khảo sát tình hình để điều tra dịch tễ, tư vấn hỗ trợ người dân, đồng thời làm việc với ngành y tế địa phương nhằm tiếp tục xác minh làm rõ việc nhiều người nhiễm HIV/AIDS.
Trao đổi với báo chí về vụ việc này, ông Nguyễn Hoàng Long cho rằng với xã miền núi hơn 6.000 người và con số 42 người được phát hiện nhiễm HIV là tương đối cao, nhưng chưa thể xác định được đây là số người nhiễm HIV mới hay tích lũy hằng năm. Cá nhân ông Long cho rằng đây là con số tích lũy, vì trong những người mới phát hiện có người đã chuyển sang giai đoạn AIDS tương đối nặng.
“Thông thường từ khi bị nhiễm đến khi có thể phát hiện được bằng xét nghiệm thì mất khoảng 3 tháng. Còn khi chuyển sang giai đoạn AIDS và nặng thì tùy từng người, trung bình 5 - 7 năm. Cho nên nhiều khả năng số người bị nhiễm HIV được ghi nhận là con số tích lũy”, ông Long phân tích.
Người dân xã Kim Thượng xôn xao về căn bệnh HIV bất thường tại địa phương. (Ảnh: P. Hậu) |
Tại buổi làm việc đầu giờ chiều ngày 13/8, trả lời PV Báo Pháp luật TP.HCM, bà Nguyễn Ngọc Hoa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tân Sơn cho biết, sau thông tin báo chí đăng tải, hiện Công an huyện Tân Sơn đã vào cuộc xác minh, làm rõ tình trạng trên.
Xác minh ban đầu, từ đầu năm đến nay xã Kim Thượng có 2 bệnh nhân HIV qua đời, 4 người nhiễm mới, trong đó có cả trẻ em, có khả năng số người mắc còn tăng. Tuy nhiên vấn đề “động trời” này chính quyền địa phương lại không hề nắm được.
Lý giải cho điều này, Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời bà Nguyễn Ngọc Hoa: Danh sách người bị nhiễm HIV do Trung tâm đang giữ, chưa triển khai cung cấp ARV tại đơn vị và không thông báo rộng rãi được, phải bảo mật thông tin cá nhân, chức năng của cán bộ nào thì cán bộ đó phải có trách nhiệm quản lý. Theo ngành dọc, cán bộ quản lý là người trực tiếp thông tin cho người bệnh, quản lý danh sách theo đúng hệ thống. Chủ yếu việc cung cấp ARV là nhiệm vụ của cán bộ trung tâm phụ trách HIV.
Phát biểu quan điểm về vụ việc, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cho hay hiện cơ quan công an tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc nhưng muốn xác định chính xác nguyên nhân cũng như đối tượng mắc bệnh là việc không dễ, cần nhiều thời gian.
Tuy nhiên, ông Cảnh cũng cho rằng quan điểm của Bộ Y tế là sẽ hỗ trợ tối đa về mặt chuyên môn cho Phú Thọ và cũng cần cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ. “Chúng tôi sẽ mở rộng, tạo điều kiện tối đa cho bà con được xét nghiệm miễn phí. Nếu có trường hợp không may bị nhiễm HIV, chúng tôi sẽ hỗ trợ điều trị ngay” - ông Cảnh nói.
Hiện nay, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Long dẫn đầu vẫn đang tích cực phối hợp với ngành y tế địa phương tuyên truyền, giải thích cho người dân để tránh hoang mang dư luận.
Người dân nên hết sức bình tĩnh
Khi xảy ra vụ việc, nhiều người dân thường nghĩ đến lý do lây nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm. Ở tỉnh Bến Tre trước đây cũng xảy ra sự việc tương tự, tuy nhiên sau hơn hai tháng vào cuộc, cơ quan chức năng cũng không đưa ra được kết luận do vật chứng là bơm kim tiêm không còn. Đặc biệt không tìm được mối liên quan nào cho thấy bác sĩ đã dùng chung bơm kim tiêm cho nhiều bệnh nhân. Do đó người dân nên hết sức bình tĩnh.
Ông HOÀNG ĐÌNH CẢNH, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế
Tổng hợp