________________
“Tôi muốn có một đứa con” - một người phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 30 chia sẻ. “Nhưng chúng tôi vẫn không có nhà và khi nghĩ tới các khoản thu nhập, chúng tôi không thể thực hiện mong muốn này”.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc đang lựa chọn cuộc sống độc thân hoặc các cặp gia đình gặp khó khăn trong việc sinh con. Năm 2017, lần đầu tiên số lượng người ở độ tuổi lao động tại nước này quay đầu giảm.
Theo số liệu thống kê của chính phủ Hàn Quốc hồi tháng 3/2019, dân số của đất nước có nền kinh tế lớn thứ tư châu Á sẽ suy giảm vào đầu năm 2020. Đến năm 2065, Hàn Quốc được dự báo sẽ trở thành quốc gia phát triển có dân số già nhất.
Tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã bãi bỏ chính sách “Một con” kể từ năm 2016, nhưng các nỗ lực này vẫn chưa cho thấy hiệu quả khi tỷ lệ sinh tiếp tục giảm trong các năm 2017 và 2018.
Dân số ở độ tuổi lao động (từ 16-59 tuổi) tại “quốc gia tỷ dân” bắt đầu giảm vào năm 2014, theo số liệu của Liên hợp quốc. Vào năm 2018, lần đầu tiên nhóm tuổi này đã giảm xuống dưới mốc 900 triệu người.
Nhật Bản đang vượt xa các nước trong khu vực về tình trạng lão hóa. Dân số từ 15 đến 64 tuổi bắt đầu thu hẹp vào năm 1995 - thời kỳ nền kinh tế nước này lâm vào khó khăn và khủng hoảng. Tổng dân số Nhật Bản đã giảm kể từ năm 2008.
Triển vọng của cả ba quốc gia Đông Bắc Á hết sức ảm đạm: Từ năm 2020 đến năm 2060, dân số trong độ tuổi lao động dự kiến sẽ giảm 30% ở Nhật Bản, 26% ở Hàn Quốc và 19% ở Trung Quốc - theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Những người nghỉ hưu từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ chiếm hơn 30% dân số của các quốc gia này vào năm 2060.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hong Kong, Singapore và Thái Lan đang dần rơi vào quỹ đạo tương tự.
Tuy nhiên, lực lượng lao động của Ấn Độ và Indonesia dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ít nhất đến năm 2060. Một siêu cường khác đó là nước Mỹ cũng có tương lai vô cùng tươi sáng về nguồn lao động, cho thấy nước này vẫn nắm lợi thế dẫn trước so với đối thủ đang thách thức vị thế của mình là Trung Quốc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, dự báo sẽ tăng trung bình 7,1% từ năm 2010 đến 2020, giảm xuống chỉ còn 1,5% trong thập kỷ 2040-2050. Trong khi con số của Ấn Độ là 3,7% và của Mỹ là 2,0 %.
Thế nhưng dự báo ảm đạm này có thể bị đảo ngược, khi người tiêu dùng và các công ty nội địa chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu ngày càng tồi tệ ở các quốc gia suy giảm dân số. Một logic đơn giản đó là dân số ít sẽ kiềm chế sự phát triển của nền kinh tế, buộc các doanh nghiệp cắt giảm đầu tư, tạo ra một vòng xoáy suy giảm.
Giới trẻ Nhật Bản hiện có xu hướng tiết kiệm, theo dữ liệu chi tiêu hộ gia đình cho thấy trong 30 năm qua, tỷ lệ tiết kiệm đã tăng từ 33% lên 38% trong số những người ở độ tuổi 25-29 và từ 38% lên 44% ở lứa tuổi 30-34, theo bà Ikuko Samikawa, PGS tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo.
“Những người trẻ tuổi có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn bởi họ lo lắng hơn cho tương lai của mình” - ông Hiroshi Nakaso, Chủ tịch Viện nghiên cứu Daiwa cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản cho biết. “Các doanh nghiệp cũng đang kiểm soát đầu tư trong bối cảnh không chắc chắn về sự tăng trưởng trong tương lai”.
Chính phủ và các ngân hàng trung ương phải đối mặt với việc giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn lao động và tác động tới chính sách kinh tế. Những thay đổi về nhân khẩu học “sẽ có nhiều ý nghĩa khác nhau đối với các chính sách”, ông Willem Adema, một nhà kinh tế thuộc OECD dự đoán.
Gánh nặng an sinh xã hội ngày càng nặng nề, trong khi lượng nhân công hiện tại phải gánh vác thêm nhiều công việc. Nhật Bản đã giải quyết thực trạng này bằng cách tích lũy nợ, trong khi Hàn Quốc đang cải cách hệ thống lương hưu và trợ cấp cho người cao tuổi nhằm giảm gánh nặng cho xã hội, trong khi thách thức của Trung Quốc phức tạp hơn rất nhiều.
Tại Nhật Bản, các khoản chi tiêu an sinh xã hội đã phình to trong hơn hai thập kỷ, buộc chính phủ nước này phải vay thêm để duy trì hệ thống. Nợ công hiện nay cao gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội, khiến Nhật Bản trở thành nền kinh tế phát triển mắc nhiều nợ nhất. Tuy nhiên, người cao tuổi ở Nhật Bản vẫn được chăm sóc chu đáo nếu so với Hàn Quốc.
Tỷ lệ người nghèo ở Hàn Quốc trong độ tuổi từ 66 đến 75 đã đạt mốc 39% vào năm 2015, so với 17% ở Nhật Bản và 18% ở Mỹ. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn đối với những người ở độ tuổi cao hơn 76.
Ở Hàn Quốc, cũng như ở nhiều nước châu Á, thế hệ trẻ được mong đợi theo truyền thống sẽ chăm sóc cha mẹ khi họ về già. Nhưng quan niệm này đang dần thay đổi, và ngay cả hệ thống lương hưu của Hàn Quốc cũng trở nên khó kiểm soát. Năm ngoái, chính phủ nước này đã cảnh báo quỹ hưu trí quốc gia sẽ phá sản vào năm 2057 nếu không tiến hành cải cách.
Các chương trình an sinh xã hội của Hàn Quốc chỉ chiếm 7,7% GDP trong năm 2015, so với 18,7% tại Nhật Bản, theo S & P Global. Đến năm 2050, con số được dự đoán sẽ đạt 17,8%, so với 22,1% của Nhật Bản.
Ở Trung Quốc, nơi chi tiêu an ninh xã hội chỉ chiếm 6,3% GDP trong năm 2015 nhưng được dự báo tăng lên 16,5% vào năm 2050, quy mô của nền kinh tế và tỷ lệ dịch chuyển lao động cao làm tăng thêm các mối phức tạp.
Khoảng 300 triệu người đã di cư từ các vùng nông thôn đến thành phố, rất ít người có thể đủ khả năng quay trở lại để chăm sóc cha mẹ già sống cách xa hàng ngàn cây số. Những người di cư cũng đang già đi: Tỷ lệ trên 50 tuổi là 21,3% trong năm 2017, tăng từ 11,4% vào năm 2008. Tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc thường là 60 đối với nam và 50 đối với nữ, nhưng hầu hết những người di cư không nhận được mức lương hưu cao như những người có hộ khẩu thành phố. Hiện có khoảng 900 triệu người Trung Quốc cả ở vùng nông thôn cũng như thành thị đang phải sống trong một mạng lưới an sinh xã hội nhỏ hẹp.
“Trách nhiệm chăm sóc cha mẹ giống như một quả bom hẹn giờ đối với chúng tôi. Bạn không bao giờ biết khi nào họ mắc bệnh và khi nào bạn có thể sẽ phải trả hóa đơn viện phí khổng lồ” - Wang Yuefei, một chuyên gia tư vấn chăm sóc sức khỏe 36 tuổi nói. Mặc dù cha mẹ của Wang có bảo hiểm y tế do chính phủ trợ cấp nhưng với cô, điều này không đủ. Nỗi lo về chi phí sinh hoạt, cùng với chi phí nuôi một cô con gái 5 tuổi đã buộc Wang và chồng phải từ bỏ sở thích đi du lịch nước ngoài. “Chúng tôi không đủ khả năng tận hưởng cuộc sống như mong muốn”.
Guo Yongqi – một người làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về môi trường ở thành phố Tế Nam phía Bắc Trung Quốc cho biết, cha anh đã 60 tuổi, nhưng ông vẫn phải làm việc bán thời gian tại một nhà máy. “Điều đó đủ để cho mọi người biết chúng tôi phải đối mặt với bao nhiêu áp lực”. “Bất chấp các nỗ lực của chính phủ Trung Quốc, tình trạng người già lâm vào cảnh nghèo đói sẽ buộc Bắc Kinh phải hành động. Họ sẽ không thể bỏ qua vấn đề này nữa. Cần phải có những cải cách nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các vùng thành thị về nông thôn để giảm thiểu sự phân hóa xã hội” - nhà kinh tế Adema nhận định.
Bài toán của Trung Quốc là một phần của một vấn đề lớn hơn: 68% tổng số việc làm trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc khu vực phi chính thức, không tạo ra doanh thu thuế và cung cấp ít bảo hiểm phúc lợi. Trong khi đó các chính phủ lại tỏ ra hết sức chậm trễ trong việc khắc phục thực trạng.
Một phương thức phổ biến đó là kéo dài độ tuổi lao động. Tại Hong Kong, chính quyền đặc khu gần đây đã áp dụng chính sách giảm lương hưu cho người cao niên trừ khi họ tìm việc làm.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đang đề xuất tăng lương cho người lao động dưới 70 tuổi. Hàn Quốc đang cung cấp các ưu đãi để khuyến khích các gia đình sinh thêm con, tuy nhiên chưa cho thấy hiệu quả. Các cặp đôi tại nước này đang trì hoãn hoặc từ bỏ việc sinh thêm con do chi phí sinh hoạt và giáo dục đang ngày càng đắt đỏ.
Trung Quốc đã giới thiệu một hệ thống “thế chấp ngược”, cho phép người già sử dụng nhà của họ làm tài sản thế chấp để vay tiền lương hưu. Thế nhưng rất ít người đứng ra vay tiền.
Hiện tại là lúc các quốc gia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nên nhận thức một cách sâu sắc về các mối đe dọa do tình trạng già hóa dân số, cũng như tác động tiêu cực đối với nền kinh tế trong khu vực và cùng ngồi lại bàn bạc để đưa ra các giải pháp đồng bộ, thay vì ban hành các chính sách riêng lẻ.