"Tôi thấy thà tự tử còn hơn phải nhận thất bại", Christine, một sinh viên năm cuối tại Đại học Harvard, Mỹ cho biết. Nữ sinh này từng hai lần tự tử không thành trong năm học thứ hai. Từ thời trung học, Christine đã mắc chứng trầm cảm vì áp lực học tập quá lớn. Cô cho rằng, lên đại học, mọi chuyện sẽ ổn hơn.
"Tôi hy vọng Harvard có thể cải thiện tình hình và dự định làm lại cuộc đời ở đây", cô nói.
Tuy nhiên, áp lực của sự hoàn hảo khiến bệnh tình của nữ sinh thêm tồi tệ. Cùng với các tin xấu từ gia đình, Christine chọn cách giải quyết tiêu cực. Cô không phải trường hợp duy nhất tại các trường đại học hàng đầu thế giới muốn dùng cái chết để chấm dứt tình trạng bế tắc.
Nhóm hoạt động xã hội Active Minds tổ chức triển lãm với khoảng 1.100 chiếc ba lô tượng trưng cho số sinh viên tự tử mỗi năm. Ảnh: Activeminds.org.
Những câu chuyện đáng buồn
Đối với nhiều người, Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ là nơi khởi đầu lý tưởng cho một tương lai tốt đẹp. Nhưng với một số người, đây là cái nôi ngột ngạt, cướp đoạt tuổi trẻ, thậm chí tính mạng của họ.
Thời trung học, Maggie Delano chưa bao giờ đạt điểm dưới 90 trong những lần thi cuối kỳ. Tuy nhiên, ngay trong kỳ đầu tiên tại MIT, cô chỉ đạt điểm 27 môn Vật lý và nhận kết quả loại D.
"Tôi suy sụp hoàn toàn vì chưa từng thất bại", nữ sinh nói.
Tháng 8/2015, Jason D. Altom, sinh viên khoa Hóa học hệ sau đại học tại Harvard, tự tử để chấm dứt những ngày tháng học tập căng thẳng. Nạn nhân để lại 3 bức thư tuyệt mệnh, chỉ trích giáo sư cố vấn từng giành giải Nobel đã đẩy anh đến bước đường cùng.
Cái chết của Altom dấy lên câu hỏi về những gì đang diễn ra tại những ngôi trường hàng đầu thế giới. Vụ tự tử là bằng chứng của áp lực học tập nặng nề cùng sự cạnh tranh khốc liệt. Chúng tồn tại ở nhiều đại học, đặc biệt với những trường nổi tiếng.
Trên thực tế, Altom không phải người duy nhất tìm đến cái chết vì áp lực của sự hoàn hảo ở Harvard. Từ năm 1980, trường có 8 vụ tự sát.
Paul J. Barreira, Giám đốc Trung tâm Y tế Harvard, cho biết, năm 2011, tỷ lệ sinh viên trường tự tử là 5 trên 100.000 người, thấp hơn mức 6,18 trên 100.000 người của sinh viên trên cả nước.
Theo thống kê của Đại học Emory, bang Georgia, hàng năm, Mỹ có khoảng 1.000 sinh viên tự tử vì áp lực học hành. Tại MIT, tỷ lệ tự tử trong thập kỷ qua là 10,2 trên 100.000 sinh viên.
Sinh viên khoa Hóa học đứng đầu trường Harvard về tỷ lệ tự tử do áp lực cạnh tranh lớn. Ảnh: Harvard.edu.
Năm học 2013 - 2014, sáu sinh viên Đại học Pennsylvania tự chấm dứt cuộc đời. Trong năm học 2009 - 2010, sáu vụ tự sát xảy ra tại Đại học Cornell. Năm học này, Đại học Tulane mất bốn sinh viên, Đại học bang Appalachian mất ít nhất ba người. Tại đại học New York, năm sinh viên tìm đến cái chết.
Áp lực học hành là nguyên nhân chính
Sau cái chết của Jason D. Altom, nhiều người cố gắng tìm hiểu nguyên nhân đằng sau quyết định tiêu cực này. Bức thư của Altom khiến một số người chỉ trích và yêu cầu Giáo sư Elias J. Corey xem xét lại cách làm việc. Trên thực tế, 3 trong số 4 sinh viên khoa Hóa học tự tử, bao gồm Altom, là nghiên cứu sinh do ông Corey hướng dẫn.
Harvard có ban cố vấn gồm những giáo sư đầu ngành chịu trách nhiệm giám sát và đánh giá quá trình hoàn thành luận văn nhằm đảm bảo sinh viên không quá phụ thuộc vào giáo sư hướng dẫn.
Altom viết: "Nếu tôi biết trường có một ban như vậy, mọi chuyện đã không đi đến bước này".
Giáo sư Corey là chuyên gia về hóa học phân tử, từng giành giải Nobel năm 1990. Với kiến thức uyên bác, ông là lựa chọn hàng đầu cho những sinh viên muốn tốt nghiệp với kết quả hạng ưu. Tuy nhiên, vị giáo sư cũng yêu cầu rất cao.
Những sinh viên từng được ông hướng dẫn khẳng định, nhóm nghiên cứu của giáo sư Corey luôn là nhóm mạnh nhất. Họ chọn ông vì muốn thử thách bản thân và tạo bước tiến lớn nhất.
Trong trường hợp của Altom, nhiều người cho rằng, lỗi nằm ở chính bản thân anh. Altom chọn đề tài khó nhất trong 3 đề tài giáo sư gợi ý, đồng thời không chọn người cùng làm như Corey đề nghị.
Nam sinh tìm đến cái chết khi việc nghiên cứu không được như mong muốn, bản thân không thể hoàn hảo như kỳ vọng đồng thời cảm thấy giáo sư không đánh giá cao mình.
Trong môi trường học tập quy tụ những người ưu tú, con người thường yêu cầu nghiêm khắc hơn với bản thân. Một khi thất bại còn những người khác tiến dần tới thành công, họ càng dễ suy sụp, bi quan.
Tuy nhiên, các vụ tự tử cũng xuất phát từ nguyên nhân khách quan, áp lực do trường tạo ra.
Sinh viên MIT đứng đầu trong bảng xếp hạng những trường học tập vất vả nhất. Ảnh: Mit.edu.
MIT ước tính mỗi sinh viên học 12 tiếng mỗi tuần cho khóa học gồm 12 tín chỉ. Trên thực tế, khóa học đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Phần lớn sinh viên phải học khoảng 70 tiếng/tuần. Theo bảng xếp hạng của Niche, MIT đứng đầu Mỹ về mức độ vất vả của sinh viên. Đây cũng là tình hình chung tại các trường ưu tú.
Những cái chết trên giảng đường là vấn đề nan giải đối với ban lãnh đạo trường đại học. Hầu hết các trường đều có trung tâm tư vấn sức khỏe tâm thần nhưng vì nhiều nguyên nhân, chúng không thể giải quyết vấn đề.
Đại học không chỉ là nơi trau dồi kiến thức mà còn là nơi rèn luyện tố chất tâm lý. Sinh viên phải học cách chịu đựng áp lực, tự thoát khỏi căng thẳng và sẵn sàng chấp nhận thất bại trước mắt.
Theo Zing.vn