Vỉa hè xưa
Vỉa hè xuất hiện ở Hà Nội cuối thế kỷ 19, khi chính quyền thời đó chỉnh trang khu phố cổ và xây dựng khu phố mới theo kiểu đô thị phương Tây, có vỉa hè, cống thoát nước.
Về qui hoạch, vỉa hè làm đô thị văn minh, duyên dáng hơn. Về giao thông, vỉa hè công cộng dành cho người đi bộ, nhưng nó còn để trồng cây xanh lấy bóng mát, chống lại cái nắng gay gắt vào mùa hè ở miền Bắc, cũng là nơi bố trí cột đèn, cột điện. Đầu thế kỷ 20, khi Hà Nội xuất hiện xe đạp, hè phố gánh thêm việc, là nơi để xe đạp. Xưa ở Trung tâm thương mại Tràng Tiền có chữ Pháp “Nơi để xe đạp” bằng đá chôn chìm trên vỉa hè trước cửa ra vào. Để an toàn cho người đi bộ, Sở Lục Lộ qui định, phần mép hè giáp với đường dành cho phương tiện giao thông phải có bờ đá cao, nếu không may xe ngựa lao lên hè sẽ bị bờ đá chặn lại, không gây thương tích cho người đi bộ. Với các nhà mặt phố, cửa ra vào phải mở vào bên trong, tránh khi mở vô ý đập vào người đi đường. Ống thoát nước mưa từ tầng 2 xuống hè bắt buộc theo đường kính qui định và phải áp sát tường, vừa văn minh nhưng cũng vừa tránh nước đổ vào đầu người. Sáng sáng, nhà mặt phố có trách nhiệm dọn vệ sinh hè và khơi thông rãnh thoát nước trước nhà. Cây xanh trồng trên hè cũng phải theo qui định: rễ cọc, thân thẳng, nhựa không độc, lá rụng quanh năm…
Chính quyền cũng qui định, chỉ trồng cây ở phố có vỉa hè từ 3m trở lên. Ở những phố vỉa hè rộng từ 5m-7,5m, họ cho thuê bán cà phê. Ở nhiều con phố, chính quyền cũng tạo điều kiện cho thị dân bán quà kiếm sống nhưng phải nép vào nhà mặt phố. Nói chung, từ cuối thế kỷ 19 cho đến năm 1954, vỉa hè Hà Nội có trật tự, khá thoáng đãng vì dân số không đông, lại có tầu điện ở nhiều tuyến phố và cây xanh chưa thành cổ thụ.
Vì sao vỉa hè ngày nay chật chội?
Hơn 1 thế kỷ nay, diện tích vỉa hè ở khu vực nội thành gồm 4 quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm vẫn vậy nhưng nội dung lại thay đổi. Có phố, thân cây xà cừ hai người lớn ôm mới khít. Mỗi gốc cây chiếm diện tích khá rộng, thậm chí trên 1m2. Hiện hè phố nào cũng có trụ điện chềnh ềnh.
Một thời do quản lý buông lỏng, hoặc thương dân để các nhà mặt phố trồng cây chống nắng trên vỉa hè dưới 3m. Từ khi đổi mới, phố nào ở Hà Nội cũng thành phố thương mại, dịch vụ, nhất là khu vực phố cổ, phố cũ. Thói quen tiện đâu mua đấy, khát vọng làm chủ nhỏ đã thúc đẩy thương mại phố phát triển. Ngày trước, một số nhà chỉ có một hộ nhưng do biến động lịch sử, một số nhà có nhiều hộ. Và trước kia, mỗi hộ chỉ vài người, rồi con cái lớn lên lập gia đình, số nhân khẩu tăng lên. Thời bao cấp, Hà Nội nghèo khó, phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu xe đạp và nhà nhiều cũng chỉ hai chiếc. Song ngày nay, gần như cứ 18 tuổi trở lên là có xe máy nên nhà nào cũng vài cái trở lên, nhà chật hay ở trên gác, đi làm về, không để vỉa hè thì để ở đâu? Nhà bán hàng lại thêm xe của khách thì người đi bộ muốn đi phải luồn lách. Không cho khách để xe thì hộ kinh doanh lấy tiền đâu đóng thuế?
Lâu nay có luật bất thành văn, vỉa hè công cộng trở thành nơi “sở hữu” của các nhà mặt phố, không chỉ vỉa hè, ai đó đỗ ô tô ở lòng đường trước cửa hàng của họ thì thế nào cũng có chuyện. Không phải thiếu qui định, nhưng “trăm cái lý cũng phải có tý cái tình”, khiến chính quyền cơ sở không bất lực song nhiều khi cũng phải bỏ qua, cho dân mưu sinh.
Đá ném ao bèo, nên chặt cây cổ thụ
Ai cũng biết, diện tích đất công cộng dành cho giao thông tĩnh ở Hà Nội quá thấp. Để giải quyết bế tắc này, từng có gợi ý thành phố nên có chính sách ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp đầu tư vào bãi trông giữ xe, hoặc thành phố đứng ra mua lại nhà mặt phố, sau đó xây cao tầng giống như ở Băng Cốc (Thái Lan) làm nơi trông giữ xe máy, ô tô. Nhưng bao nhiêu năm nay, qua bao nhiêu nhiệm kỳ lãnh đạo, cũng không mấy động tĩnh. Từng có dự án xây dựng bãi trông giữ xe ngầm dưới đất, song nó vẫn nằm trên giấy, không biết tắc về cơ chế hay chủ dự án không có năng lực tài chính.
Một nguyên nhân gián tiếp làm vỉa hè chật trội là hệ thống giao thông công cộng quá thiếu, còn phương tiện giao thông cá nhân quá thừa. Từng có qui định cụ thể phố nào được bán hàng rong, phố nào cấm nhưng sau những đợt ra quân ào ào, trống rong cờ mở xong đâu lại vào đấy, như đá ném ao bèo. Muốn “giải phóng”, muốn “làm sạch hè phố” thì phải có bãi trông xe máy, ô tô công cộng cho khu vực nội đô cũ.
Ngày nay, chiều cao nhà phố cao hơn ngọn cây thì cây không còn nhiều tác dụng chống nắng mà còn bị xung quang, ngả ngốn ra không gian đường như những.. vũ nữ apsara, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, lại bị cắt tỉa bừa bãi nên cây không tạo ra kiến trúc phong cảnh.
Trong thời gian chờ đợi thành phố có giải pháp căn cơ thì việc có thể làm ngay là sớm quy hoạch lại cây trồng ở vỉa hè Thủ Đô. Việc này ít ra cũng cải thiện sự quá tải ở vỉa hè trên một số tuyến phố.