Giấu người ăn xin trong phòng trọ
Trong căn phòng trọ, ba người “ăn xin thuê” cho Thành đang kể lại sự việc với cơ quan chức năng. |
Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đến gõ cánh cửa ngay bên hông bờ tường được cột khá chắc chắn bằng dây thừng và thanh tre thì mặt Thành biến sắc. Khi cánh cửa mở ra, phía sau cánh cửa gỗ là một cái chái rộng khoảng 2 m2 ẩm thấp đang “nhốt” hai người ăn xin là ông Lê Duy Q. (xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) và ông Phạm Bá N. (quê xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đang nằm ngủ.
Đến lúc này Thành mới khai nhận đã ở Biên Hòa tám năm. Trước đây Thành làm nghề bán nón, đá cảnh dạo. Mấy tháng trước, bốn người ăn xin vào ở chung với Thành. Hằng ngày, Thành lo cơm nước cho họ, đến 23 giờ đêm thì đi đón họ về phòng trọ. Số tiền mỗi người xin được trong ngày (trung bình từ 250.000 đến 300.000 đồng) nộp cho Thành và Thành “trả lương” cho mỗi người 3 triệu đồng/tháng.
Những nạn nhân cũng khai nhận là Thành thuê họ đi ăn xin.
Tiếp tục kiểm tra một phòng trọ khác của khu nhà trọ trên do Nguyễn Thị Ngọc (43 tuổi, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) thuê, cơ quan chức năng phát hiện một ông già ăn xin tên Cao Đình S. (68 tuổi, quê xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương) hành nghề ăn xin thuê cho bà Ngọc với “mức lương” 2,5 triệu đồng/tháng.
Giải thoát cho hai cụ già
Những kẻ “chăn dắt” ăn xin Thành, Ngọc, Chung (dưới cùng) đang khai nhận với Công an phường Tân Biên. |
Ông T. khai với cơ quan chức năng hơn ba tháng trước, ông Chung về quê thuê ông vào bán tăm bông với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi vào đến nơi ông Chung bắt đi ăn xin và hơn ba tháng nay ông Chung chưa trả đồng nào nên không có tiền về quê. Tương tự, bà T. cũng cho biết khi bà vào thăm con ở Bình Phước thì tình cờ gặp vợ ông Chung và người này rủ bà về nhà trọ để bán tăm bông. Tuy nhiên, vợ chồng ông Chung lại bắt bà đi ăn xin, không cho về quê.
Khi cơ quan chức năng hỏi về nguyện vọng, cả hai người già bị vợ chồng ông Chung “chăn dắt” không một chút đắn đo đều cho biết là muốn về nhà.
Cũng như trong các đường dây “chăn dắt” ăn xin khác, ông Chung khai nhận hằng ngày đưa đón hai ông bà đi ăn xin và lấy hết tiền mà họ xin được. Vợ chồng ông Chung “trả lương” cho bà T. 2,5 triệu đồng/tháng; ông T. 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng từ khi hai người này đi ăn xin, ông Chung chưa trả cho họ đồng nào.
Khi cơ quan chức năng mời ông Chung về trụ sở làm việc, ông Chung mới “trả lương” cho mỗi người 2,5 triệu đồng.
Công an phường Tân Biên đang tiếp tục làm rõ nhân thân, hành vi của những kẻ “chăn dắt” để xử lý.
Trao đổi với chúng tôi, bà Chu Thị Luyện, Phó Chủ tịch phường Tân Biên, cho biết trước mắt UBND phường sẽ gửi những người bị chăn dắt ăn xin trên vào trung tâm huấn luyện cô nhi, chờ cơ quan công an xác minh nhân thân của họ rồi sẽ gửi họ về quê.
Sẽ xử lý nghiêm kẻ “chăn dắt”
Về những đường dây “chăn dắt” ăn xin, ông Lê Văn Trung, Chánh văn phòng UBND TP Biên Hòa, cho biết chưa nhận báo cáo từ cơ sở về tình trạng này nhưng quan điểm của UBND TP Biên Hòa là xử lý nghiêm tệ nạn trên.
UBND TP Biên Hòa sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ các đối tượng “chăn dắt” và sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Còn đối với những nạn nhân sẽ chỉ đạo đưa vào các trung tâm bảo trợ để giúp đỡ, xử lý phù hợp.
Về trách nhiệm để xảy ra tình trạng “chăn dắt” ăn xin, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, cho biết sẽ chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với các địa phương làm rõ vấn đề mà báo phản ánh. “Vấn đề này, Sở đã giao cho từng địa bàn, nếu địa bàn nào để xảy ra tình trạng “chăn dắt” ăn xin, cơ quan quản lý của địa bàn đó phải chịu trách nhiệm” - bà Oanh nói.