Ngày 12/5/2006, Giang Kim Đạt được ông Trần Văn Liêm (Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines) nhận về công tác tại Phòng khai thác 2. Ba tháng sau, Đạt được giao chức quyền trưởng phòng kinh doanh và quan hệ quốc tế. Tháng 10/2007, Vinashinlines chấm dứt hợp đồng với Đạt và tháng 4/2008 tiếp nhận lại với chức cố vấn cao cấp cho Tổng giám đốc. 8 ngày sau đó, Vinashinlines dừng hợp đồng và một tháng sau tiếp nhận lại, bổ nhiệm quyền trưởng phòng kinh doanh. Một tháng sau, Vinashinlines lần thứ 3 kết thúc hợp đồng lao động.
Theo cáo buộc trong thời gian làm việc, Đạt cùng ông Liêm và kế toán trưởng Trần Văn Khương đã chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng qua các dự án mua tàu khai thác kinh doanh cho thuê tàu biển.
Cụ thể, ngày 27/7/2006, Vinashinlines ký mua tàu M/V Evelyn của công ty Ocean Marine S.A of Panama với giá hơn 6,2 triệu USD. Là quyền trưởng phòng kinh doanh, trong quá trình giao dịch, Đạt đã thoả thuận qua công ty môi giới Marvin Shipping LTD để hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng và nhận được hơn 1,9 tỷ đồng “lại quả” gửi vào tài khoản của ông Giang Văn Hiển (bố đẻ của Đạt).
Cùng ngày, Vinashinlines còn ký hợp đồng mua tàu Asta của Công ty Asta Ltđ, Vincent & The Grenadines (Croatia). Thương vụ này, Đạt hưởng hơn 3 tỷ đồng tiền hoa hồng. Đầu tháng 3/2007, Đạt đại diện thương thảo mua tàu Samjohn Captain của Công ty Okean Maritime Corporation E.N.E of Athen (Hy Lạp) và được hưởng 2% tổng giá trị tiền mua (tương đương hơn 6,4 tỷ đồng).
Theo cáo buộc, Đạt còn chiếm hưởng riêng gần 250 tỷ đồng thông qua việc 9 hợp đồng cho thuê tàu. Số tiền này gửi vào 22 tài khoản ngân hàng của ông Hiển để đứng tên mua đất, nhà chung cư, biệt thự tại Việt Nam và nước ngoài. Nhà chức trách xác định, Đạt đã đổ tiền vào 40 bất động sản trong nước. Anh ta còn mua một động sản tại Singapore trị giá 3.600.000 SGD (gần 3 triệu USD); đặt cọc gần 350.000 bảng Anh để thuê, mua hai căn hộ chung cư tại Anh. Hiện, cơ quan điều tra đã có văn bản ủy thác tư pháp hình sự đề nghị hai nước này phong tỏa, thu hồi số tiền của Đạt.
Nhà chức trách cho rằng không chỉ rửa tiền vào nhà đất, ông Hiển còn dùng tiền của con trai để giao dịch 13 ôtô hạng sang. Cáo trạng quy kết, ông Hiển nhận thức được số tiền các công ty nước ngoài chuyển về tài khoản bắt nguồn từ việc làm ăn bất hợp pháp của con nhưng vẫn tích cực thực hiện.
Mua ôtô cho vợ sếp
Tài liệu điều tra cho thấy, trong số tiền thu được từ việc gửi giá cước cho thuê tàu, Đạt đã dùng để "tặng" ông Liêm qua nhiều hình thức. Cuối tháng 10/2006, khi mua căn hộ ở cao ốc Topaz Tower (TP HCM), ngoài 10.000 USD, ông Liêm đưa, ông Hiển đã dùng tiền nhận được để bù thêm hơn 68.000 USD để thanh toán. Tháng 5/2007, theo yêu cầu của con trai, ông Hiển mua cho ông Liêm một mảnh đất tại Nha Trang.
Đạt khai cuối năm 2007 khi sếp Liêm muốn mua xe Mercedes để sử dụng cá nhân, từ nguồn tiền gửi giá, anh ta đã trả 57.000 USD và lo thủ tục đứng tên "sếp bà". Do mâu thuẫn giữa các bị can về số tiền mua xe nhưng trong hóa đơn thể hiện xe trị giá 300 triệu đồng nên cơ quan điều tra chỉ đủ căn cứ kết luận ông Liêm đã chiếm đoạt số tiền này từ tiền gửi giá cước cho thuê tàu. Tổng cộng, ông Liêm bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 3,1 tỷ đồng.
Cáo trạng quy kết, kế toán trưởng Khương đã nhận 1,7 tỷ đồng khi ông Liêm đưa trong khi biết rõ đây là tiền hoa hồng từ việc mua tàu của Vinashinlines nhưng không đưa vào sổ sách. Hành vi của ông Khương và Liêm đều bị truy tố về tội Tham ô tài sản.
Riêng Giang Kim Đạt bị quy kết chiếm đoạt tổng cộng hơn 255 tỷ đồng. Khi vụ án bị Bộ Công an khởi tố vào tháng 8/2010, Đạt bỏ trốn sang và bị truy nã quốc tế.
Ngày 7/7/2015, Đạt bị bắt. Cơ quan chức năng xác định, trong thời gian trốn truy nã, anh ta đã sử dụng hộ chiếu mang tên người khác để đi lại giữa Campuchia và Singapore. Liên quan tấm hộ chiếu này, Bộ Công an đã khởi tố để điều tra vụ án làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.