Giảng viên đại học đi bán xôi: Vấn đề đau xót của xã hội

Những ngày qua câu chuyện “một giảng viên đại học tâm sự và băn khoăn có nên gạt sĩ diện để đi bán xôi?” đã gây xôn xao dư luận và nhiều ý kiến trái chiều. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này với Ngày Nay Online nhiều giảng viên cho rằng đó là điều bình thường. Tuy nhiên điều này cũng là vấn đề đau xót và đặt ra suy nghĩ cho xã hội!
Giảng viên đại học đi bán xôi: Vấn đề đau xót của xã hội

Bày tỏ về vấn đề của "nữ giảng viên băn khoăn có nên gạt sĩ diện để đi bán xôi" trong trang cá nhân của mình, Diễn giả Ngô Ngọc Doanh, Giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM cho rằng: Làm sao chị ta có thể thay đổi cuộc đời, khi quyết định cuộc đời của chị lại trao cho đám đông đang mò mẫm tìm lối đi, và cũng đang chật vật như chị. Trường hợp của chị khiến tôi nhớ 2 câu nói của triệu phú Trần Uyển Phấn: "Đi học để thành công hay làm công?" "Đừng đặt tương lai của mình trên đôi môi mỏng của người khác".

Chị chính là tôi của hơn 5 năm về truớc. Tôi chỉ khác chị là tôi không hỏi, cũng không nghe ý kiến của đám đông đang cày để sống qua ngày chờ qua đời. Thay vào đó tôi tìm và học từ thiểu số đang thật sự hưởng thụ cuộc sống với 6 giá trị cuộc đời trọn vẹn.

Sau khi học được bí quyết của họ, tôi làm theo, bất chấp đám đông đang xầm xì, bàn tán. Nhờ đó, ngày nay, tôi bắt đầu hưởng tự do, thoát khỏi những lo toan như chị, và những tiếng xầm xì năm xưa cũng đang tắt dần. Nay tôi chỉ có kinh nghiệm này chỉ cho chị. Chị muốn tương lai của chị như thế nào, hãy hỏi người đã sống được như vậy ở hiện tại. Chúc chị may mắn.

Giảng viên đại học đi bán xôi: Vấn đề đau xót của xã hội - anh 1

Giảng viên đại học có nên gạt sĩ diện để đi bán xôi? (Ảnh minh họa)

Chị Trần Thị Tuyết, giảng viên Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II cũng chia sẻ: “Tôi nhớ ông Nguyễn Trần Bạt có nói đại ý về việc kiếm tiền trước hết vì yêu. Bạn yêu 3 đứa con của bạn thì bạn sẽ làm việc vì mục đích đó trước đã. Và khi làm điều đó vì tình yêu thì bạn sẽ có động lực và sức mạnh. Tôi nghĩ, giảng viên hay bán xôi cũng chỉ là một nghề được xã hội thừa nhận. Miễn là bạn thấy được “sự lấp lánh trong những đồng tiền” mà bạn làm ra thì đó là niềm vui rồi.

Sông có khúc, người có lúc, tôi nghĩ lúc này, việc kiếm tiền trang trải cho cuộc sống bằng việc thiết thực và cụ thể là bán xôi có ý nghĩa hơn việc giữ thể diện với chức danh giảng viên để thấy cuộc sống thật tù túng, bế tắc như thế”.

Chị Tuyết giả định: “Nếu là tôi, tôi sẽ đi bán xôi và chỉ cho con học các môn học ở trường và không nhất thiết phải học thêm ngoại khóa hoặc phải so đo cho bằng bạn bè. Con cái sẽ hiểu khi chúng ta trải lòng một cách thẳng thắn và chân thành. Và chỉ cần nhìn con vui vẻ, khỏe mạnh và trở thành người lương thiện thôi, tôi cũng đã hạnh phúc lắm rồi”.

Nói về vấn đề này, theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Các hội sinh học Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì: Tất nhiên bán xôi cũng là một việc nếu không gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Và nếu mức lương không đủ trang trải cuộc sống thì đương nhiên người ta phải làm một việc khác hoặc làm thêm một cái gì đấy như bán xôi hay làm gì đó. Điều này cũng khá phổ biến ở rất nhiều nơi.

Tuy nhiên việc giảng viên đại học phải đi bán xôi cũng là một điều cần suy nghĩ. Chúng ta không nói đến tính sĩ diện ở đây, bởi nếu không đủ sống người ta phải làm một công việc gì đó để tăng thu nhập là bình thường. Nhưng việc để một giáo viên đại học đi bán xôi thì những người tổ chức cán bộ phải xem xét làm thế nào cho lương cán bộ ít nhất phải đủ sống.

Điều này cũng đưa ra vấn đề về việc sử dụng nguồn nhân lực, giảm biên chế và nâng cao hiệu quả công việc để buộc cán bộ làm hết công suất. Phải sắp xếp cho họ làm tối đa khả năng của mình và cho họ hưởng những đồng lương xứng đáng.

“Tôi cho rằng việc cán bộ Đại học phải nghĩ đến việc bỏ nghề đi bán xôi là một vấn đề đau xót của xã hội. Khi đồng lương cán bộ công chức không đủ sống người ta buộc phải suy nghĩ đến một công việc khác chứ không ai muốn bỏ nghề. Vì vậy bây giờ phải làm thế nào để tân dụng khả năng của người ta gấp 2 – 3 lần, phải cho người ta dồn hết thời gian vào công việc đang có và cho người ta một mức thu nhập ổn định là điều cần phải làm”. Giáo sư Lân Hùng nhấn mạnh.

Xem thêm:

-Chuyện một cô giáo dù nghèo vẫn quyết không bỏ nghề

-Cư dân mạng nổi sóng vì tâm thư của giảng viên quyết giữ sĩ diện không hạ mình bán xôi

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.