Vừa qua, trong chương trình “Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ thiếu nhi”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã được học sinh TP.HCM phản ánh lại việc giáo viên nói ngọng và viết sai chính tả.
Giáo viên ngọng, viết sai chính tả
Thực trạng này đang khiến các bậc phụ huynh lo lắng cho kỹ năng ngôn ngữ của con mình.
Báo Thanh Niên cho biết, từ sau khi bỏ chế độ chấm điểm, chỉ dùng hình thức nhận xét học lực và hạnh kiểm của học sinh tiểu học, nhiều phụ huynh “tá hỏa” khi thấy giáo viên viết sai chính tả rất nhiều.
Giáo viên nói ngọng, viết sai chính tả đang là thực trạng đáng báo động. Ảnh: Thanh niên.
Một phụ huynh khi trao đổi với PV lấy ví dụ: Trong sổ liên lạc, thay vì viết “con cần nỗ lực hơn” thì cô giáo lại viết “con cần nổ lực hơn”, thậm chí cô giáo còn viết ngọng “l” và “n” khi nhận xét bài kiểm tra của học sinh.
Ngay đến các giáo viên trong trường cũng nhận ra, tình trạng sai chính tả quá nhiều của đồng nghiệp.
Một phụ huynh tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội còn ngạc nhiên khi con trai mình viết sai chính tả tùm lum mà cô giáo không hề sửa lại. Càng bất ngờ hơn nữa khi cậu bé viết và phát âm dấu ngã thành dấu nặng và ngược lại như “học hỏi” thành “học hõi”.
Một vấn đề khác được đặt ra là cách phát âm của giáo viên khi đọc chính tả cho học sinh. Khi đọc chính tả mà phát âm sai, có hai trường hợp xảy ra. Một là học sinh sẽ viết theo cách phát âm đó, lâu dần trở thành thói quen, ảnh hưởng đến chính tả của các em học sinh. Hai là nếu học sinh nhận ra cô giáo nói ngọng, các em sẽ thì thầm nhau rồi đến tai phụ huynh. Khi đó cô giáo sẽ không tránh khỏi tình trạng ngượng ngùng, khó xử.
Đôi khi, có những giáo viên cũng nhận ra sự thiếu sót của mình. Một sinh viên thực tập ở trường tiểu học quận Hoàng Mai chia sẻ, chị sẽ nhớ mãi thời gian thực tập này. Học sinh đã “bắt bẻ” tôi vì ngọng “l” và “n”, mặc dù rất ngượng nhưng cũng nhờ đó chị rút ra được bài học cho mình. Sinh viên này còn cho biết, hiện tại, chị đang theo học một lớp chữa ngọng, kết quả cũng khá hơn rất nhiều.
Thế hệ tương lai bị ảnh hưởng
Nói về tình trạng này, Thanh Niên đã có buổi trao đổi với ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú TP.HCM. Ông Khiêm cho biết, thực trạng giáo viên nói ngọng có thể do bị ảnh hưởng ngôn ngữ vùng miền và từ đó dẫn đến việc nói sao viết vậy. Việc giáo viên không uốn nắn lại cho học sinh là do chính bản thân giáo viên đó sai chính tả ngay từ đầu.
Thường gặp nhiều nhất là giáo viên sử dụng sai “l” và “n”, dấu hỏi và dấu ngã… Chính vì vậy, một số lãnh đạo các trường khi tuyển dụng giáo viên đã áp dụng hình thức phỏng vấn trực tiếp và đưa ra tình huống để họ viết ngay tại chỗ.
Theo nhiều giáo viên lâu năm, đã là giáo viên thì cần cẩn trọng trong nói và viết. Việc giáo viên bị ngọng và viết sai chính tả ảnh hưởng rất nhiều đến thế hệ sau này. Ngay khi còn học ở trường sư phạm, các giáo viên tương lai cần ý thức được việc rèn luyện phát âm chuẩn và viết đúng chính tả, không nên có suy nghĩ tốt nghiệp trường sư phạm sẽ ít bị soi chính tả và có thể bỏ qua nếu phát âm “nhỏ” nếu mình nói ngọng.
A.M (T/H)