Thì ra đó là đất cấp cho hộ gia đình. Lúc bán cho bạn, vợ chồng chủ hộ cùng hai con có tên trong hộ khẩu ra phường ký giấy bán. Giờ chìa ra hộ khẩu hồi xa lắc có ghi tên mình, hai người con khác đòi bạn phải chi thêm tiền cho họ viện lẽ “trước đây tụi tôi có ký bán đâu!”. Do hai bên chưa thỏa thuận được giá cả nên bạn chưa thể hoàn tất hồ sơ… Bạn tiếc: “Nếu giấy đỏ cấp cho hộ gia đình chủ đất thời đó ghi rõ tên của bốn người con thì tôi đã biết đường giao dịch để không gặp rắc rối”.
Câu chuyện này chính là một lời khen dành cho quy định ghi đủ tên các thành viên trong gia đình trên giấy đỏ cấp cho hộ gia đình sẽ được thực hiện từ ngày 5-12. Nếu trước đây chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình khiến những người thân khác được nhà nước giao đất chung không được pháp luật công nhận rõ ràng gây ra lắm rắc rối thì tới đây sẽ khác.
Thay vì chỉ ghi “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”) thì sắp tới phải ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”) cùng với tên của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Theo đó, không chỉ quyền lợi của tất cả thành viên đồng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở được bảo đảm mà các cơ quan công chứng, văn phòng đăng ký đất đai, tòa án… cũng có ngay căn cứ pháp lý để giải quyết nhanh gọn việc chuyển nhượng hoặc xét xử tranh chấp.
Điều đáng nói là Thông tư 33/2017 chưa đến ngày thi hành thì đã làm nhiều người phát hoảng vì hiểu nhầm. Có thể với lãnh đạo Cục Đăng ký đất đai hay lãnh đạo Bộ TN&MT thì chuyện chẳng có gì ầm ĩ bởi quy định ghi đủ tên cả gia đình chỉ áp dụng cho đất mà hộ gia đình được cấp chung chứ không “đụng chạm” gì đến đất của cá nhân, của các cặp vợ chồng nhưng với số đông người dân thì hãy còn “tù mù” lắm.
Cũng phải thôi, vì tính đến thời điểm này thì Luật Đất đai 2013 có đến bốn nghị định và nhiều thông tư hướng dẫn với chi chít các điều khoản. Thông tư 33 ra đời để sửa đổi, bổ sung bảy thông tư được Bộ TN&MT ban hành trước đó. Với cách xây dựng nội dung văn bản như hiện nay, nếu đọc mỗi Thông tư 33 sẽ không thể nào hiểu ngay thế nào là “hộ gia đình sử dụng đất”, “hộ” này khác gì với những hộ đang khá phổ biến trong xã hội mà các thành viên thường gồm có vợ, chồng, các con? Từ chỗ ngỡ rằng thật phi lý khi buộc đất của vợ chồng sẽ phải ghi cả tên của các con vào dù các con không hề tham gia tạo lập mà mọi người đã có một phen “nháo nhào”.
Chưa kể, tiếng là sửa đổi, bổ sung những nội dung còn chưa rõ trong một thời gian khá dài về đất của hộ gia đình nhưng Thông tư 33 vẫn còn tiếp tục để lại nhiều câu hỏi. Với quy định của khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì có thể hiểu những thành viên có quyền sử dụng đất chung trong hộ gia đình bắt buộc phải là những người thân thích của nhau (là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình). Kế nữa là phải “đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất…”.
Dấu hiệu thứ nhất là quá rõ để thực hiện nhưng còn dấu hiệu còn lại thì sao? “Đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung” có phải là có cùng hộ khẩu vào thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất… chứ không thể là theo hộ khẩu của thời hiện tại hay sao? Tiếc là thông tư chỉ đơn thuần hướng dẫn việc ghi tên mà không giải thích cụ thể để các cơ quan chức năng dễ cấp giấy đỏ mới (được dự liệu là ít ỏi), đồng thời cũng dễ xử lý thống nhất các phát sinh từ khá nhiều giấy đỏ cấp mơ hồ trước đây.
Chẳng lẽ sau Thông tư 33 thì Bộ TN&MT sẽ có thêm văn bản hướng dẫn nữa (dù đang có “rừng” văn bản) để giải quyết cho bằng được các tồn dư trước khi tiến tới việc xóa bỏ chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình vì với đất đai thì càng sớm cá thể hóa quyền sử dụng càng tốt chứ không nên tiếp tục quy định khác hơn?
Theo Pháp Luật TP.HCM