Thủ đô Hà Nội có những làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng, đem lại doanh thu cao như: Gốm Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, mỹ nghệ Sơn Đồng, gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm, lụa Hà Đông... Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề đều gặp khó khăn do thiếu các sản phẩm có bàn tay thiết kế, chất lượng có thể chinh phục người dùng…
Trong khi đó, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi nhiều mặt hàng đến từ các nước trong khu vực. Nhiều cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ tại phố cổ Hà Nội "ưu ái" sản phẩm thủ công nước ngoài hơn là sản phẩm từ các làng nghề Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Hà Nội đang phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó, thủ công mỹ nghệ là một trong những lĩnh vực được xem là có thế mạnh. Vậy làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thủ công mỹ nghệ làng nghề, phố nghề Hà Nội?
Mới đây, tại tọa đàm về Nghề thủ công truyền thống Hà Nội-Sáng tạo để phát triển, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhấn mạnh, nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực.
"Thông qua mỗi sản phẩm thủ công, chúng ta có thể thấy được dấu ấn của môi trường tự nhiên và xã hội hòa cùng trí tuệ và tâm hồn của người thợ, rộng hơn là sự sáng tạo của cả cộng đồng. Nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm của nó trở thành một kênh lưu giữ ký ức là sứ giả cho hoạt động giao lưu văn hóa", Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho rằng, để tháo gỡ được các vướng mắc mà nghề thủ công truyền thống đang gặp phải cần có những bước đi cụ thể, cần có phương pháp đúng, phù hợp. Vấn đề đặt ra là làm sao để các sản phẩm thủ công trở thành món quà lưu niệm được du khách ưa chuộng; sáng tạo sản phẩm mới dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống….
Là địa phương-vùng đất trăm nghề của Hà Nội, huyện Thường Tín có nhiều làng nghề nổi tiếng hình thành từ sớm và gắn bó với người dân địa phương hàng trăm năm nay. Các làng nghề của Thường Tín có tính sáng tạo cao với các sản phẩm thủ công đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, như bánh dày Quán Gánh, thêu Thắng Lợi, thêu Quất Động, điêu khắc Nhân Hiền… nổi tiếng trong và ngoài Hà Nội.
Ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín cho hay, những năm qua, huyện Thường Tín luôn quan tâm phát triển nghề nói chung, công tác duy trì và phát triển nghề truyền thống nói riêng; đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch; đầu tư xây dựng cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn.
Hằng năm, huyện dành một phần kinh phí hỗ trợ công tác đào tạo, nhân cấy nghề cho lao động, nhất là lao động trẻ, lao động tại các xã vùng sâu...
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Bùi Công Thản, công tác phát triển nghề và làng nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Hầu hết doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn đều có hoạt động ở quy mô nhỏ, tự phát và gặp không ít khó khăn. Nguồn nguyên liệu không ổn định, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm; do thị trường biến động nên một số nghề truyền thống không phát triển...
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng các làng nghề, nhất là đường giao thông đã xuống cấp, hoặc chưa đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm… Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống.
"Việc Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được nhân dân Thủ đô, trong đó có người dân Thường Tín phấn khởi và kỳ vọng về một hình ảnh mới của Thành phố. Trong xu thế đó, làng nghề truyền thống với nhiều ưu thế nổi bật đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô", ông Bùi Công Thản nhấn mạnh.
Trước xu hướng thương mại hóa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trọng mục tiêu lợi nhuận, coi nhẹ các giá trị văn hóa của sản phẩm thủ công truyền thống, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là người dân ở các làng nghề về vị trí, vai trò và giá trị văn hóa của các sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề. Phát huy tính sáng tạo của người dân làng nghề, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống.
Đồng thời, rà soát các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với thực tế. Có phương án bảo tồn, khôi phục và phát triển các làng nghề, nhất là các làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương và làng nghề có giá trị bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa truyền thống…