Bạc và các trang sức làm từ bạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nùng ở Hà Giang.
Trong quan niệm của người Nùng, bạc là vật liệu thiêng có thể đuổi tà ma, gió độc, đồng thời là hồn cốt, là tập tục, nếu không đeo bạc, người Nùng không biết nguồn cội, không biết tổ tiên.
Theo ông Trần Chí Nhân, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), truyền thuyết của dân tộc Nùng, huyện Hoàng Su Phì kể rằng ngày xưa, người Nùng rất giàu mạnh, cuộc sống no đủ và hạnh phúc.
Bỗng một hôm, vua người Hán sai quân đến xâm chiếm đất đai, cướp bóc của cải của người Nùng. Để bảo vệ đất đai, các thanh niên trai tráng tập hợp thành những đạo quân chống lại.
Quân giặc vốn tàn ác, nham hiểm, chúng bắt phụ nữ lấy cối đá đeo vào lưng, lấy kim bằng bạc cắm vào đầu, lại lấy những sợi dây xích bằng sắt buộc vào cổ, lấy vòng sắt đeo vào cổ tay... sau đó bắt họ phải làm những công việc nặng nhọc để hành hạ nhằm khiến trai tráng nản lòng về quy hàng.
Nhiều ngày trôi qua, sức nặng của chiếc cối đá và vòng xích sắt đã khiến tấm lưng của những người phụ nữ còng xuống nhưng họ vẫn một lòng nhớ đến chồng con đang chiến đấu với quân giặc để chờ ngày được đến cứu.
Cuối cùng, câu chuyện về tấm lòng thủy chung của phụ nữ người Nùng đã khiến vua Hán nể phục, sai quân lính tháo những chiếc cối đá, những vòng xích sắt; sai quân lính đánh những chiếc vòng cổ, những chiếc dây xà tích bằng sắt, những cái vòng tay và nhẫn nhỏ hơn đeo vào cổ phụ nữ người Nùng; đồng thời rút quân, chấm dứt chiến tranh với người Nùng.
Để con cháu đời sau biết và nhớ những ngày gian nan vất vả, phụ nữ người Nùng đã mặc váy có cạp to phía sau và dùng những chiếc vòng cổ, dây xà tích, vòng tay... đeo lên người. Từ đó, những đồ trang sức luôn được phụ nữ người Nùng đeo đến tận ngày nay.
Cũng theo ông Trần Chí Nhân, để tạo nên những món đồ trang sức chất lượng, các nghệ nhân phải tìm kiếm, sử dụng nguyên liệu là bạc hoa xòe và bạc miếng.
Với những dụng cụ thủ công như kéo, kìm, búa, đế gỗ, nồi đun, cân tiểu ly, cùng với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, những nghệ nhân dân tộc Nùng đã chế tác ra nhẫn, vòng tay, xà tích, trâm cài đầu, cúc bạc với những họa tiết, hoa văn tinh xảo, gần gũi với cuộc sống con người.
Họ cũng cho rằng nghề chạm bạc rất kén người. Phải là người tỉ mẩn, nhẫn nại mới theo được nghề, vì tất cả các công đoạn để làm ra những sản phẩm đều đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì mới tạo ra được những họa tiết tinh tế.
Nghệ nhân Nùng Văn Húi, xã Pờ Ly Ngài, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang chia sẻ ông học nghề từ khi còn rất trẻ, đã làm nghề chạm bạc được hơn 30 năm.
Một sản phẩm trang sức bằng bạc được tạo ra phải trải qua rất nhiều công đoạn như nấu chảy bạc, đổ ra khay, tiếp tục nung nóng để cán mỏng, tiếp đến dùng các vật dụng đặc thù để đục, chạm tỉ mỉ. Sau nhiều công đoạn, thanh bạc đã được chạm hoa văn sẽ được uốn cong, rửa, đánh bóng để cho ra một sản phẩm hoàn mỹ.
Địa phương hiện không còn nhiều người biết nghề và làm nghề chạm bạc, ông đang truyền nghề cho con trai. Hy vọng rằng, các thế hệ sau tiếp tục lưu truyền và gìn giữ nghề, gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Nùng.
Sản phẩm bạc của người Nùng khác biệt và nổi trội hơn hẳn so với ở nhiều nơi bởi họa tiết tinh tế, mẫu mã đa dạng, cân đối ở thủ pháp xử lý sáng tối nhờ kỹ thuật tạo khối của nghệ nhân trên chất liệu bạc.
Các sản phẩm mỹ nghệ làm từ bạc không chỉ tiêu thụ trong cộng đồng người Nùng ở Hoàng Su Phì mà còn bán ra thị trường với giá khá cao để đem lại thu nhập cho các nghệ nhân làm bạc.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử và khoa học tiêu biểu, nghề chạm bạc của người Nùng tại xã Pờ Ly Ngài và Nàng Ðôn được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia theo quyết định số 2972/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/8/2019 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Bên cạnh nghề chạm bạc, nghệ thuật hát Sli của người Nùng ở xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 830/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2021.
Sli là một làn điệu dân ca đặc sắc của đồng bào dân tộc Nùng ở Bắc Kạn nói riêng và Việt Bắc nói chung. Mỗi nhánh Nùng khác nhau có làn điệu sli khác nhau, như Nùng Inh có Sli Nùng Inh, Nùng Phàn SLình có Sli Sloong hào, Nùng Cháo có Sli Sình làng, Nùng Giang có Sli Giang.
Sli nghĩa là “thơ,” một làn điệu dân ca trong kho tàng văn nghệ dân gian của người Nùng ở Lạng Sơn. Hát Sli (vả Sli) gắn liền với truyền thuyết nàng tiên mở hội thi kén chồng với ba chàng trai họ Chương, họ Sình và họ Lý bằng việc hát đối đáp các làn điệu Sli.
Hát sli là hình thức hát thơ (chủ yếu là truyện thơ), được biểu diễn dưới dạng đối đáp nam nữ, thường do một hoặc một vài đôi trai gái thể hiện trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới...