Trương Minh Thu
(Giáo viên Trường THPT Hiệp Hòa 3, Bắc Giang)
Là một giáo viên, tôi rất quan tâm đến phần V - “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực” của Dự thảo Báo cáo chính trị. Đặc biệt trong mục “Phương hướng, nhiệm vụ” của phần này có nhấn mạnh: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học và công nghệ, với quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực”.
Chú trọng hơn đến việc rèn luyện thể chất, nghỉ ngơi, vui chơi… của học sinh trong quá trình học tập |
Cùng với đó là nhiều hướng đi lớn cho đổi mới giáo dục trong cách dạy, cách học, chương trình học, giáo trình, tài liệu, người dạy và đối tượng tiếp thu… Từ thực tiễn công tác, tôi đề nghị bổ sung thêm chủ trương: Chú trọng hơn đến việc rèn luyện thể chất, nghỉ ngơi, vui chơi… của học sinh trong quá trình học tập ở trường cũng như ở nhà; tăng cường các hoạt động văn, thể, mỹ trong các phong trào đoàn, đội ở trường một cách bổ ích, thiết thực; điều chỉnh để cân đối hơn giữa nội dung học tập ở trường lớp với các hoạt động dã ngoại tìm hiểu tự nhiên, môi trường, văn hóa, xã hội…
Được tăng cường các nội dung, thời lượng về những lĩnh vực còn ít được tiếp cận, trải nghiệm đó, học sinh mới có điều kiện rèn luyện về tác phong, khả năng hiểu biết xã hội, đời sống xã hội và văn hóa chung quanh cũng như trên địa bàn, địa phương mình. Đó thật sự là những hoạt động bổ trợ tốt cho việc học lý thuyết, để các em linh hoạt, tự tin, nhanh nhạy hơn trong ứng xử, giao tiếp văn hóa, xã hội cũng như tăng khả năng ứng dụng những điều được học ở trường lớp.
Quan tâm nhiều hơn đến bệnh nhân nghèo
Trần Thị Kim Loan
(Cán bộ hưu trí Tiểu Khu 3, xã Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La)
Tôi có thời gian tìm hiểu qua báo, đài nên quan tâm những vấn đề về đời sống xã hội ở các cơ sở. Ở khu vực này, có nhiều vấn đề cần được quan tâm như xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng khối đoàn kết dân cư, giải quyết việc làm cho thanh niên, người lao động bảo vệ môi trường ở các địa bàn, hay nhiều vấn đề khác về phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…
Trong Dự thảo Báo cáo chính trị, tôi rất chú ý đến những nội dung về quản lý phát triển xã hội… Đó là những chủ trương lớn. Dự thảo đề ra mục tiêu: “Coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc… Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, chế độ thai sản, nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh, bình đẳng giới”, hoặc “Huy động các nguồn lực, tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống bệnh viện, trạm y tế, phòng khám bệnh. Phát triển hệ thống y tế dự phòng và các dịch vụ y tế hiện đại”.
Trên cơ sở đó, tôi đề nghị, cần đưa ra mục tiêu phát triển chính sách khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc giảm một phần chi phí cho bệnh nhân là người nghèo, người có thu nhập thấp hoặc những gia đình, cá nhân gặp các biến cố, không đủ khả năng trang trải. Bởi thực tế như chúng ta thấy, tình trạng bệnh tật phát sinh, nhiều bệnh nhân và gia đình người bệnh khốn khó vì lo tiền thuốc, tiền chăm sóc và các dịch vụ y tế khác.
Nên huy động từ ngân sách, các cấp, các ngành và toàn xã hội để có nguồn kinh phí dự trữ nhằm hỗ trợ các trường hợp này. Tất nhiên, phải có sự kiểm tra, đánh giá chặt chẽ để bảo đảm hỗ trợ đúng người, đúng hoàn cảnh, tránh tiêu cực.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Chuyện “làm đẹp” khi đến trường
- Học gần 1 tháng bỗng nhận được thông báo "trượt": Gia đình thí sinh lên tiếng