1. Trên bờ tường sát đường tàu ở Brixton, nam London (Anh), những chữ ký (tag) sơn loằng ngoằng của Harrison Scott-Hood, 23 tuổi; Alberto Fresneda Carrasco, 19 tuổi và Jack Gilbert, 23 tuổi, vẫn còn hiện hữu như hình ảnh tưởng niệm sầu thảm về ba thanh niên trẻ bị tàu cán chết khi đang “sáng tác” graffiti tại đây vào tháng 6/2018.
Suốt thời gian qua, nhiều người vẽ graffiti khắp thế giới đã thắp nến, đặt hoa, gửi những lời chia buồn online để tưởng nhớ ba thanh niên xấu số này. Nhưng bên cạnh nỗi tiếc thương, vẫn có cả lời chỉ trích. Ông Brian Cooke – cựu quan chức Sở Giao thông London – viết tweet rằng “Đó là những kẻ tội phạm, đáng khinh”. Lời nói của ông Brian vấp phải phản ứng giận dữ của những người đam mê graffiti và vụ việc một lần nữa làm dấy lên tranh luận về cái Xấu và Đẹp trong nghệ thuật graffiti.
Ngược về với lịch sử của graffiti: Theo nghĩa gốc, graffiti là tranh (hoặc ký hiệu) của con người thời cổ đại khắc lên những vách hang động. Ở xã hội phương Tây xưa, graffiti ám chỉ những bức hí hóa đơn giản tại các khu vực sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, graffiti (có nghĩa là “nguệch họa”) chỉ những bức tranh xịt sơn màu do giới thanh niên trong trào lưu hip-hop vẽ lên những khoảng tường, hay bất cứ mặt phẳng nào mà họ tìm thấy trên đường phố, khu dân cư.
Nghệ thuật graffiti lần đầu xuất hiện ở New York (Mỹ) vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước khi các bè đảng da màu lang thang trên đường phố dùng những hình vẽ nguệch ngoạc, chữ ký để đánh dấu phần “lãnh thổ” hoạt động của mình.
Dần dần, những hình vẽ graffiti xuất hiện ở nhiều nơi công cộng như nhà ga, bến tàu điện ngầm, trạm điện thoại, cầu vượt qua đường, thùng rác… với kiểu vẽ phức tạp, công phu, kỹ thuật và mất nhiều thời gian hơn. Xuất hiện một số tên tuổi nổi tiếng định hướng phong cách graffiti vào thập niên 70 tại Mỹ như: Dondi, Zephyr, Lady Pink…
Sang thế kỷ 21, nghệ thuật graffiti ngày càng định hình rõ ràng, phát triển và có danh xưng nhất định trong xã hội. Tuy nhiên, ở nhiều nước trên thế giới, graffiti bị xem là một phần văn hóa không chính thống, được dùng để thể hiện sự “nổi loạn” của cái tôi cá nhân từ những bức bối nội tâm hoặc bức xúc xã hội…
Nhiều nước coi việc vẽ tranh tùy tiện, bôi bẩn trên tường mà không có sự đồng ý của chủ nhà và chính quyền là hành vi phá hoại tài sản và cần bị trừng phạt. Graffiti thậm chí bị gọi là “art crimes” (nghệ thuật tội lỗi) bởi tính liều lĩnh, bất chấp luật lệ và định kiến xã hội. Những người vẽ graffiti thường có khát vọng tới mọi thành phố trên thế giới, để lại chữ ký, nét vẽ của họ ở mọi góc phố…
Trong thế giới graffiti, người vẽ không chỉ giành được sự tôn trọng bởi sự sáng tạo, kỹ năng vẽ của họ mà còn bởi sự liều lĩnh tiếp cận với những vị trí vẽ nguy hiểm (king spot: vị trí vua; heaven spot: vị trí thiên đường). Bởi vậy, có những người bất chấp nguy hiểm tính mạng để vẽ graffiti trên thành cầu, sát đường sắt, tường nhà cao tầng…Thực tế ở nhiều đô thị trên thế giới, nạn vẽ graffiti khiến phố phường nhếch nhác đang hoành hành như một thứ “dịch bệnh” khó kiểm soát.
Ở nhiều nước, vẽ graffiti lên các phương tiện giao thông công cộng bị coi là vi phạm pháp luật và thủ phạm phải chịu phạt rất lớn, bởi hành vi này gây thiệt hại lớn về vật chất và tinh thần …Tại Mỹ, mỗi năm các hãng vận tải phải chi từ 15 - 18 triệu USD để tìm kiếm, tẩy xóa và sửa chữa hậu quả của graffiti bừa bãi. Mạng lưới tàu (Network Rail) của Anh cho biết đã tiêu tốn khoảng 3,5 triệu bảng Anh/năm để xóa các hình vẽ graffiti trên tàu.
Thống kê của Cảnh sát Giao thông Anh cho thấy, “phạm tội liên quan graffiti” đang gia tăng khắp nước Anh, với khoảng 2.498 vụ việc được ghi nhận vào năm 2017, tăng so với 1.413 vụ việc năm 2013. Chỉ riêng nửa đầu năm 2018, London ghi nhận số vụ phạm tội liên quan graffiti nhiều nhất từ năm 2013 đến nay. Tại Singapore, hình phạt cho người làm bẩn ga tàu khá nặng, cao nhất có thể lên tới 1.471 USD, 3 năm tù giam và bị đánh 8 roi.
Năm 2015, tòa án ở Singapore đã phạt hai du khách người Đức Andreas Von Knorre và Elton Hinz 9 tháng tù giam, kèm 3 roi vì đã vẽ bậy kiểu graffiti lên tàu điện của đảo quốc này. Hồi tháng 3/2018, cảnh sát tiểu bang Victoria, Australia đã bắt giữ 9 thanh niên từ 20 -31 tuổi và 01 phụ nữ 46 tuổi với cáo buộc hơn… 700 tội danh liên quan đến 145 cuộc “tấn công” vẽ graffiti nhằm vào hệ thống tàu điện ở thành phố Melbourne kể từ tháng 3/2017. Nhà chức trách Australia coi đây là tội phạm nguy hiểm, có tổ chức bởi nhóm thanh niên này từng dừng chặn, sau đó phủ graffiti lên toàn bộ một đoàn tàu trong khi hành khách vẫn ở trên các toa tàu. Tháng 4/2018, tòa án ở Mỹ buộc ba nghệ sỹ graffiti người Tây Ban Nha phải trả hơn 13.000 USD để tại ngoại, sau khi họ bị cáo buộc vẽ các “tag” bẩn lên các toa tàu ở thành phố New York.
Đối với những người sử dụng graffiti để đe dọa mọi người và kích động bạo lực, nước Mỹ rất nghiêm minh. Tháng 6/2018, tòa án ở tiểu bang Pennsylvania (Mỹ) đã tuyên phạt George Rissell – 25 tuổi – từ 7 đến 14 năm tù giam vì tội vẽ graffiti các biểu tượng phát xít và phân biệt chủng tộc lên một số bức tường, ô tô tại Pennsylavania.
2. Ở một chiều hướng khác, không phải mọi hình vẽ graffiti đều là nguệch ngoạc và là “trò phá hoại trẻ con”. Graffiti vẫn được cộng đồng nghệ thuật thế giới và công chúng ủng hộ khi nó được đặt đúng chỗ và thể hiện tính sáng tạo nghệ thuật, chẳng hạn truyền tải thông điệp xã hội tốt đẹp như: biểu tượng hòa bình, tuyên truyền các căn bệnh xã hội… hay thậm chí là những chiến dịch quảng cáo.
Trong giới graffiti, không thể không nhắc tới Banksy – một nghệ sỹ bí ẩn ở Anh đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật đường phố đương đại. Hiện diện trên các bức tường ở khắp mọi nơi, từ các thành phố lớn như Bristol, London, New Orleans đến khu Bờ Tây của lãnh thổ Palestine, các tác phẩm graffiti của Banksy luôn được công chúng đón đợi từng ngày bởi cách tiếp cận nhân văn, sáng tạo, riêng biệt và những thông điệp toàn cầu khiến người xem phải suy nghĩ ngay về chúng.
Quan điểm của Banksy với người sáng tạo ra nghệ thuật là nghệ sĩ phải sẵn sàng truyền tải tác phẩm của mình đến với mọi người, và mọi người từ các tầng lớp khác nhau đều có thể thưởng thức những tác phẩm đó.
Từ năm 2005, để chứng minh quan điểm “thế giới nghệ thuật của tầng lớp quý tộc nay có thể thuộc về người dân”, Banksy không mang những bức vẽ grafiti tới các buổi triển lãm tranh hay phòng trưng bày sang trọng, thay vào đó chọn các khu nông trại hay đường hầm bỏ hoang – những nơi gần gũi nhất với người dân. Mặc dù có những khoảng tường chứa tranh graffiti được bán với giá vài trăm nghìn USD, Banksy vẫn sẵn sàng bày bán các tác phẩm do chính tay mình vẽ ở sạp hàng lưu động tại New York (Mỹ) với cái giá rẻ “hết hồn”: 60 USD/bức.
Hiện nay, nhiều thành phố lớn trên thế giới bắt đầu thay đổi thái độ với các nghệ sỹ graffiti đường phố và dành riêng một số khu vực công cộng cho họ tự do sáng tác. Vì thế, nhiều tác phẩm graffiti sáng tạo có giá trị nghệ thuật cao đã ra đời, thu hút người dân địa phương và khách du lịch, đồng thời trở thành đối tượng sưu tầm của nhiều người yêu nghệ thuật.
Bogota (Colombia) và Lisbon (Bồ Đào Nha) đang thúc đẩy nghệ thuật graffiti đường phố; Montreal (Canada) và Brussels (Bỉ) tài trợ cho các tour du lịch ngắm graffiti quanh thành phố. Tại Tel Aviv (Israel) - nơi có thể trở thành “thủ phủ thế giới” của nghệ thuật graffiti hiện đại, Niro Taub – một nghệ sỹ graffiti nổi tiếng kiêm người hướng dẫn du lịch – hào hứng nói: “Graffiti không còn là sự đánh dấu lãnh thổ. Chúng tôi coi đây là nghệ thuật đường phố”.
Tại nhiều thành phố của Mỹ cũng đã xuất hiện các “con hẻm nghệ thuật”, nơi mà các bức vẽ graffiti được bảo vệ và du khách được khuyến khích tới chiêm ngưỡng. Tại Miami (Mỹ), khu tổ hợp Wynwood Walls được thành lập để người yêu graffiti đến luyện tập, trau dồi kỹ năng và trở thành điểm du lịch được đánh giá cao ở bang California. Hay tại các thành phố như Stockholm (Thụy Điển) và Melbourne (Australia), bạn sẽ tìm thấy các con phố với những bức tường dày đặc tác phẩm Graffiti được vẽ hoàn toàn hợp pháp.
Nếu ai một lần tới thăm Melbourne sẽ không khỏi bị quyến rũ, say đắm trước các bức họa graffiti hiện diện trong mê cung “laneway” Degrave St – một trong những con hẻm đặc trưng của Melbourne, quyến rũ bởi những hình vẽ trên tường dưới dạng Gaffiti đường phố và những quán café, quán ăn vỉa hè luôn chật kín du khách.
Ở mọi con phố khác, mọi người cũng có thể đến vẽ tự do bất cứ lúc nào và ở bất kỳ nơi đâu, có thể đơn giản đó chỉ là một cái thùng rác, một hàng kệ hay một bức tường cũ rích,... nằm trong thành phố chẳng hạn. Tuy nhiên, ở một số khu vực nằm ở quanh trung tâm thành phố, những nơi trang nghiêm, mang tính lịch sử,... thì graffiti vẫn bị “tuýt còi”
Dường như người dân ở đây không phiền lòng khi thấy tường nhà mình xuất hiện những bức họa không rõ nguồn gốc, thậm chí có người còn mời các nghệ sỹ graffiti tới vẽ lên tường, hàng rào, cửa nhà. Rất nhiều họa sĩ quốc tế đã tìm đến Melbourne để ghi danh lên những bức tường, trong đó có một cái tên nghệ sỹ huyền thoại đã được nhắc tới ở trên: đó là Banksy.
Đối với các fan bóng đá tới Moscow (Nga) chứng kiến World Cup 2018, họ đang khá ngạc nhiên khi thấy một thành phố có nhiều tranh vẽ graffiti quảng cáo hoành tráng. Đó là kết quả của một “chiến dịch làm sạch” kéo dài 2 năm qua của chính quyền Moscow, theo đó thay những hình vẽ graffiti linh tinh trên tường các tòa nhà bằng graffiti quảng cáo của các hãng tài trợ lớn cho “ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh” như Nike, Aeroflot…
Trước World Cup, FIFA đã giữ 539 mặt tường ở các tuyến phố có nhiều cổ động viên đi qua để vẽ graffiti cho các nhà tài trợ chính. Tất nhiên, một số nghệ sỹ graffiti không hài lòng vì cho rằng “mọi người thích kiếm tiền bằng cách lấy tường nhà để làm quảng cáo, hơn là vì nghệ thuật”.
Có thể nói, đối với graffiti, làn ranh giữa lao động nghệ thuật và “nổi loạn” khá mong manh. Điều quan trọng là làn ranh này phụ thuộc rất nhiều vào người chơi nghệ thuật.