GS Võ Tòng Xuân bày cách làm giàu trên cánh đồng ngập mặn

Từ sự biến đổi của tự nhiên hãy biến thành cơ hội để chấm dứt thời kỳ tốn tiền tốn bạc, tốn công sức làm lúa bằng mọi giá bằng những chương trình không hiệu quả.
GS Võ Tòng Xuân bày cách làm giàu trên cánh đồng ngập mặn

Những ngày qua báo chí trong và ngoài nước liên tục đưa tin, tường thuật về hiện trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Theo Bộ NN – PTNT, đã có khoảng 58.300 ha lúa bị thiệt hại. Vào Google gõ “Rice damaged by salinity intrusion 2016” sẽ xuất hiện tin tức từ Việt Nam. Chỉ một ít là từ Bangladesh. Còn nếu gõ tiếng Việt “Lúa thiệt hại do xâm nhập mặn 2016” thì hầu như chỉ có tin từ Việt Nam. Đáng nói là tin tức về xâm nhập mặn chỉ cập nhật ở khía cạnh cây lúa, điều này đã gây nên dư luận xem nước mặn như “kẻ thù” mà cả nước phải gồng chống bằng mọi cách, mọi giá…

Để lý giải tại sao nước mặn không phải là kẻ thù, mời quí vị theo dõi cuộc trò chuyện của Tuần Việt Nam với giáo sư Võ Tòng Xuân.

Thưa GS Võ Tòng Xuân, ông giải thích thế nào về nhận định “không nên lo lắng” trước tình trạng nước mặn xâm nhập gây thiệt hại cho các tỉnh ven biển ĐBSCL của ông?

GS- TS Võ Tòng Xuân: “Không nên lo lắng” ở đây là tôi muốn nói trong tương lai. Bởi chúng ta đã cố gắng rất nhiều để “ngọt hóa” nhưng cuối cùng vẫn không giữ được, ví dụ chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau và nhiều chương trình khác đắp đê ven biển để giữ cho trồng lúa…

Tới đây nhất định chúng ta phải thay đổi thôi chứ không còn có thể “bằng mọi giá” duy trì cách làm cũ. Vì chúng ta có đổ thêm tiền của, công sức thì vẫn không thể ngăn mặn và giữ ngọt được.

Vấn đề tôi muốn nói ở đây là chúng ta thích nghi với sự thay đổi này như thế nào? Và trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay thì sự thay đổi, chuyển đổi cơ cấu sản xuất đang đặt ra hết sức cấp bách thì chúng ta đón nhận sự xâm nhập mặn này một cách thông minh, tỉnh táo nhằm đem lại lợi ích to lớn cho nông dân. Bởi vùng ngập mặn cũng là hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên rất tốt nếu chúng ta biết khai thác.

Thưa GS, có thể hiểu tình trạng xâm nhập mặn gây thiệt hại trước mắt cho trồng lúa nhưng lại là cơ hội lớn để chúng ta xoay chuyển thế kẹt hiện nay của ngành nông nghiệp tại ĐBSCL có đúng không?

GS–TS Võ Tòng Xuân: Đúng rồi!

Năm nay sự thay đổi của thiên nhiên đã rõ ràng và chứng minh một điều là chúng ta không thể “cứu” gì được vì không có nước ngọt. Thái Lan đang tổ chức làm mưa nhân tạo cho các vùng bị hạn của họ. Họ cho máy bay bắn đá khô vào các đám mây để tạo mưa, rất tốn kém mà hiệu quả không cao.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị thiệt hại bởi tình trạng khí hậu biến đổi không lường từ thập kỷ vừa qua. Nhìn chung trái đất của chúng ta trong năm qua lượng mưa ít hơn, khô hạn trầm trọng nhiều lục địa nhất là Bắc Mỹ, Úc, Đông Á, Nam Á (Ấn Độ), và Nam Phi làm thiệt hại mùa màng như mía, lúa, bắp…

Chúng ta không có điều kiện như Thái Lan. Và nếu muốn giữ vùng trồng lúa thì vẫn phải đổ ra hàng ngàn tỷ đồng mà không thể giữ. Mà có giữ được thì cũng không có hiệu quả. Cho nên, phải thay đổi là khôn ngoan nhất, là lẽ tất nhiên.

GS Võ Tòng Xuân bày cách làm giàu trên cánh đồng ngập mặn ảnh 1

ĐBSCL bị xâm nhập mặn: 40 năm nay nông dân cắm đầu trồng lúa nhưng đến giờ vẫn chưa giàu. Ảnh: Thu Hà.

Vậy có thể hiểu là, tình thế bắt buộc chúng ta phải xoay chuyển. Thực tế đang diễn ra ở ĐBSCL là cơ hội lớn để chúng ta thay đổi hiện trạng sản xuất vốn đã lạc hậu, cũ kỹ, không hiệu quả. Vậy GS có dữ liệu gì để chúng ta tin rằng có thể tổ chức lại sản xuất trong hệ sinh thái ngập mặn này có hiệu quả hơn canh tác lúa?

GS–TS Võ Tòng Xuân: Ở Indonexia, họ làm thủy lợi ở các vùng ngập mặn ven biển cho nuôi tôm rất tốt. Họ xây dựng những tuyến kênh cung cấp nước vào và ra cho từng ruộng nuôi tôm. Trong từng vuông tôm có hệ thống tháo nước ra để thanh lọc, xử lý vệ sinh cho ruộng tôm. Trong vùng mặn ven biển họ trồng các loại cây như cây đước để xử lý môi trường, lọc nước, tinh khiết hóa nước vùng ven biển phục vụ cho nuôi trồng.

Ở ĐBSCL có những vùng ven biển nuôi tôm rất hiệu quả. Ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng có vùng nuôi tôm tập trung rộng 11.000 ha. Trước đó người dân trồng lúa, sau mới chuyển qua trồng lúa kết hợp nuôi tôm. Khi lúa chín họ thu hoạch và đưa nước mặn vào khi đất còn ẩm. Thật sự ra mấy ông nông dân làm giàu dưới đó là nuôi tép thôi. 1 kg tép khô hiện nay trên 1 triệu đồng/kg. Sau khi thu hoạch lúa rồi thì nuôi tép. Đây là mô hình đang cực kỳ có hiệu quả, tính ra lợi tức gấp 4–5 lần so với trồng lúa!

Mô hình tôm – lúa đang được nhiều nông dân ở các huyện ven biển khác đang áp dụng nhưng không quy mô nguyên vệt 11.000 ha như ở Mỹ Xuyên mà chỉ vài trăm ha, hiện rải rác khá phổ biến.

Nếu mô hình này hiệu quả như vậy, sao bà con không làm?

GS–TS Võ Tòng Xuân: Cái hướng làm giàu như mô hình tôm – lúa hay chuyên tôm đã có từ lâu nhưng nhiều nông dân không làm được rộng rãi là bởi cái gì không phải là lúa thì không được nhà nước đâu tư. Nhà nước chúng ta chỉ đầu tư cho cây lúa.

Mô hình nhà nước đầu tư như Indonesia cũng là mô hình để chúng ta nghiên cứu và vận dụng. Tùy từng vùng chúng ta có thể quy hoạch và làm thủy lợi cho phù hợp, có thể canh tác lúa – tôm, hay chuyên canh nuôi tôm và các loại hải sản khác.

Vấn đề đầu tiên là nhận thức lại trong khâu quản lý nhà nước, thứ hai là tổ chức quy hoạch lại để có chính sách đầu tư phù hợp hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi …

Tại các hội thảo, diễn đàn, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế nêu vấn đề, chúng ta cứ lo xuất khẩu 5 – 7 triệu tấn gạo hàng năm nhưng không hiệu quả bằng Campuchia mỗi năm xuất khẩu 1 triệu tấn! Mặt khác, thị trường gạo của Việt Nam toàn là nước nghèo, còn Campuchia là thị trường cao cấp, họ bán cho nước giàu. Cách làm này vô hình chung chính Việt Nam đang phải "tài trợ” cho các nước khác yên tâm phát triển! Đáng buồn là cho đến nay là sự thật phũ phàng này vẫn chưa có tín hiệu gì thay đổi?

GS – TS Võ Tòng Xuân: Lẽ ra chúng ta phải thay đổi chính sách phát triển nông nghiệp, trong đó chính sách phát triển cây lúa từ lâu chứ không phải đến tận hôm nay mới “xem xét” hay “bàn bạc”.

Chính sách tập trung phát triển lương thực, chủ lực là cây lúa rất đúng và rất phù hợp sau chiến tranh. Không có chính sách nào khác phù hợp bằng. Ở bất cứ nước nào trên thế giới cũng vậy. Sau thời gian chiến tranh, bị tàn phá nặng nề thì việc đầu tiên khi có hòa bình là giải quyết nạn đói, thiếu ăn cho nhân dân. Nước Nhật đã từng công nghiệp hóa từ trước nhưng sau chiến tranh cũng phải thúc đẩy phát triển lương thực để đẩy lùi nạn đói. Ở Âu châu cũng vậy. Sau thế chiến thứ nhất và thứ hai thì phải tập trung trước mắt là giải quyết vấn nạn lương thực, thực phẩm để cứu đói.

Ở ta, chính sách phát triển trồng lúa phát huy tác dụng to lớn cho đất nước phải trải qua 30 năm chiến tranh tàn khốc. Cho đến năm 1989, nhờ chính sách này chúng ta vươn vai đứng dậy thành đất nước xuất khẩu gạo đứng có thứ hạng cao trên thế giới.

Nhưng thưa GS cái thời thiếu đói, chạy ăn từng bữa đã qua lâu rồi mà?

GS – TS Võ Tòng Xuân: Lẽ ra tới thời điểm 1989 chúng ta từ nước thiếu ăn thành ra quốc gia xuất khẩu gạo thì chính sách an ninh lương thực của chúng ta phải điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp tình hình mới. Lẽ ra, từ lúc này chúng ta phải lo cho người trồng lúa là nông dân tăng lợi tức cho họ chứ không nên cột chặt nông dân vào cây lúa nữa. Trên thế giới ai cũng biết lợi tức từ trồng lúa là không thể cao, nhất là trồng lúa chạy theo năng suất tối đa như ở ta.

Trên cùng một diện tích, nếu chỉ trồng lúa 3- 4 vụ/năm thì người nông dân không thể thoát khỏi nghèo mãi. Nếu chúng ta cho nông dân thay đổi, trồng 1 vụ lúa xen canh các loại cây trồng vật nuôi khác thì hiệu quả mới có, mới thay đổi đời sống nông dân.

Năm 1991 tôi chuyển trung tâm nghiên cứu lúa gạo ở Cần Thơ thành Viện nghiên cứu hệ thống canh tác ở ĐBSCL đã cho ra những mô hình bền vững để nâng cao lợi tức cho người trồng lúa. Ví dụ như mô hình lúa – tôm. Thật ra đây không phải do tôi nghiên cứu ra mà từ khám phá của một nông dân ở Bạc Liêu về phương pháp canh tác nuôi tôm trong ruộng lúa rồi tôi đưa về nâng cao, đưa nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cho nông dân áp dụng. Nhưng tiếc là không thực hiện được nhiều vì không có sự đầu tư của nhà nước cho cơ sở hạ tầng kỷ thuật.

Chính sách đầu tư của nhà nước chúng ta bao năm qua chỉ là cây lúa thôi. Đầu tư cho lúa tốn kém rất nhiều. Nhà nước phải vay tiền của ngân hàng thế giới (WB), của ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để làm thủy lợi cho cây lúa. Dù nhà nước có thu lại thủy lợi phí nhưng chẳng đáng là bao so với số tiền bỏ ra. Nói cách khác, nhà nước phải tiêu rất nhiều tiền để có được sản lượng lúa ngày càng nhiều, giúp cho cả nước được ăn gạo ngày càng rẻ.

Đúng là hính sách này giờ đây đang trở thành một nghịch lý. Hóa ra lâu nay chúng ta còng lưng đi nuôi thiên hạ, nuôi những nước giàu có hơn ta!

GS – TS Võ Tòng Xuân: Đúng là cũng vì cách làm như thế này nên chúng ta bao cấp luôn cho nhiều nước khác, trớ trêu nhất là nhiều nước mua gạo của ta họ giàu hơn ta. Malaixia đã chính thức nói thẳng thừng, không cần tự túc lương thực mà chỉ trồng những cây gì, nuôi con gì có giá trị cao.

Còn gạo, nếu thiếu thì mua của Việt Nam vì Việt Nam làm ra gạo nhiều và giá rất rẻ!

Philippine có nhiều vùng đất rộng mênh mông nhà nước họ tập trung trồng chuối, trồng khóm đóng hộp, mứt khóm; trồng sầu riêng, trồng xoài xuất khẩu khắp thế giới. Tất cả những thứ này có lợi tức nhiều và nhiều hơn trồng lúa gấp bội. Và họ mua gạo của Việt Nam cho rẻ, có hiệu quả hơn là trồng. Indonexia cũng vậy. Chính sách của họ là không nhất thiết phải tự túc lương thực mà chuyển qua nuôi tôm, trồng cây cọ dầu. Nguồn thu nhập từ tôm, cọ dầu rất tốt hơn trồng lúa.

Còn chúng ta lâu nay cứ lao vào cây lúa, cột nông dân vào cây lúa với sai lầm kéo dài là lo cho “an ninh lương thực” một cách mơ hồ. Thử hỏi một cách nghiêm túc, Việt Nam làm ra lúa gạo nhiều nhưng có đảm bảo “an ninh lương thực” như những nước mua gạo của ta không?

40 năm nay nông dân ta cắm đầu trồng lúa nhưng vẫn phải bán lúa tại đồng vì không đủ tích lũy, không đủ tái sản xuất. Đến mùa vụ thu hoạch xong phải bán ngay không kịp chở về nhà để trả nợ vay ngân hàng, nợ ứng vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu; lo tiền ăn uống, học phí con cái v.v… Vậy mà chính sách vẫn cứ đẩy họ trồng lúa hoài thì làm sao thay đổi số phận của họ?

Nói thật đây là cái chuyện chúng ta làm chưa thông minh, chưa khôn ngoan! Chúng ta phải chuyển đổi trước hết là tư duy rồi tới hành động để phát triển những hệ thống canh tác mới phù hợp với hoàn cảnh mới, phù hợp với thiên nhiên. Và quan trọng nhất là đem lại lợi tức chính đáng cho nông dân, giải phóng họ thoát khỏi nghèo túng quanh năm.

Chuyển đổi theo hướng bớt trồng lúa giúp ta để giành nước ngọt sử dụng cho những mục đích khác như sinh hoạt , phục vụ tưới cho cây trái, chăn nuôi

Nói chung, chúng ta chuyển đổi qua những cây trồng vật nuôi khác có giá trị hơn cây lúa ở vùng mặn và vùng ngọt là có khả năng. Giờ mình nên thật sự thay đổi thực hiện chủ trương đã có là chuyển đổi cơ cấu nhưng lâu nay chỉ nằm trên giấy không làm, phải chuyển một cách thật sự.

Từ sự biến đổi của tự nhiên hãy biến thành cơ hội để chúng ta thay đổi, chấm dứt thời kỳ tốn tiền tốn bạc, tốn công sức làm lúa bằng mọi giá những chương trình không hiệu quả, chấm dứt việc thủy lợi ngọt hóa, ngăn mặn lỗi thời không phù hợp mà tốn tiền của vô ích.

Xin cảm ơn và chúc sức khỏe GS!

Theo Vietnamnet

Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.